Thúc đẩy tín dụng xanh không thể chỉ dựa vào ngân hàng

- Thứ Hai, 04/12/2023, 14:17 - Chia sẻ

Muốn tăng trưởng xanh cần có nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh. Song, nếu chỉ dựa vào ngành ngân hàng giống sẽ như “vỗ tay bằng một bàn tay” và không thể thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Dư nợ cho vay với lĩnh vực xanh đạt 12.000 tỷ đồng

Chia sẻ tại hội thảo Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh, do Báo Đầu tư tổ chức sáng 4.12, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phùng Thị Bình cho biết, tính đến 30.11.2023, tổng tài sản của Ngân hàng xấp xỉ 2 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khoảng 65%. Vì vậy, việc thực hiện các chương trình tín dụng xanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của Agribank.

Hiện, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank cũng có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2020, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng nhanh chóng từ 100 - 380%/năm (từ xấp xỉ 2.000 tỷ đồng vào năm 2018 lên hơn 13.000 tỷ đồng năm 2020).

Muốn thúc đẩy tín dụng xanh không thể chỉ dựa riêng vào ngân hàng -0
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phùng Thị Bình phát biểu tại hội thảo

Sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như đại dịch Covid-19, căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraina và các nước phương Tây, suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam... khiến tốc độ tăng trưởng dư nợ có sự suy giảm nhẹ, nhưng vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng.

Đến 31.10.2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt hơn 12.000 tỷ đồng, với gần 42.000 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với dư nợ đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ tín dụng xanh; lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ gần 2.000 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Xét về số lượng khách hàng vay vốn, lĩnh vực lâm nghiệp bền vững chiếm tỷ lệ cao nhất với 99% tổng số khách hàng (khoảng 42.000 khách hàng). Tuy nhiên, các dự án cho vay với giá trị lớn chủ yếu lại thuộc về lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bao gồm các dự án cho vay điện gió.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong triển khai cho vay đối với lĩnh vực tín dụng xanh, song đại diện Agribank xác nhận, vẫn gặp phải một số khó khăn, trước hết là về cơ chế và khuôn khổ pháp lý.

Theo đó,  pháp luật hiện hành chưa có quy định đầy đủ về các sản phẩm tín dụng phục vụ tăng trưởng xanh. Tăng trưởng tín dụng xanh mới chỉ dừng lại ở các giải pháp khuyến nghị, chủ động xây dựng các chương trình, chính sách tín dụng xanh để nâng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục tín dụng của các tổ chức tín dụng.

“Việc chưa có các quy định về sản phẩm tín dụng xanh là một rào cản đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh”, Phó Tổng giám đốc Agribank nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo đại diện ngân hàng, cơ chế ưu đãi và khuyến khích của Chính phủ, Bộ ngành đối với tín dụng xanh còn chưa rõ ràng, chưa tách bạch giữa tín dụng xanh và tín dụng thương mại.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh tại Việt Nam hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao, nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường nên có chi phí cao, không đáp ứng được nhu cầu đầu tư.

Một khó khăn nữa là nhận thức của người vay, của nông dân... về tín dụng xanh còn hạn chế, sản xuất mang tính lợi ích trước mắt, bỏ qua các quy chuẩn về hàng hoá, môi trường.

Sớm ban hành Danh mục phân loại xanh

Từ thực tế hiện nay, đại diện Agribank đề xuất, trước tiên, các cơ quan liên quan cần rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, sớm ban hành Danh mục phân loại xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh, phát triển thị trường tín chỉ carbon…

Muốn thúc đẩy tín dụng xanh không thể chỉ dựa riêng vào ngân hàng -0
Các đại biểu tham dự hội thảo

Hai là, tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam. Tăng cường chủ động tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ban, ngành đầu mối hoặc tiếp cận trực tiếp các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng.

Ba là, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh. Điều này góp phần giúp các ngân hàng thu hút được nhiều đối tượng khách hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Bốn là, cần tăng cường đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cho người vay, nông dân, nhân viên ngân hàng về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh; nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; đồng thời nâng cao trình độ nghiệp vụ thẩm định về rủi ro môi trường, xã hội của các dự án xanh thông qua hình thức tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức.

“Để triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững cần có sự tham gia đồng bộ của tất cả các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương. Nếu chỉ một mình ngành ngân hàng thì không khác gì chúng ta vỗ tay bằng một bàn tay và không thể thực hiện được chiến lược quan trọng này”, Phó Tổng giám đốc Agribank chia sẻ.

Thiên An
#