Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh: Không để một định mức hai đơn vị cùng ban hành

- Thứ Ba, 30/01/2024, 11:22 - Chia sẻ

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, để triển khai thực hiện Công điện số 02/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng, việc rà soát các định mức, đơn giá theo thẩm quyền từng bộ là rất cần thiết, với tiêu chí "không để một định mức mà hai đơn vị cùng ban hành”.

Không để một định mức mà hai đơn vị cùng ban hành -0
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh

Số hóa công trình để từng bước hình thành đơn giá phù hợp

- Thưa Thứ trưởng, việc xác định định mức, đơn giá xây dựng hiện có nhiều bất cập ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Vậy, Bộ Xây dựng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Trên thế giới, hiện có 2 phương pháp chính để xác định định mức, đơn giá xây dựng, gồm quản lý theo định mức đơn giá của Nhật Bản, Trung Quốc; quản lý theo giá tổng hợp của Mỹ, Anh, các nước châu Âu, nghĩa là quản lý giá theo kết cấu, công trình, dự án hoặc hạng mục.

Bộ Xây dựng đang tiếp cận theo cả hai phương pháp; trong đó, phương pháp xác định theo định mức đơn giá đã đi theo suốt chiều dài lịch sử và để phù hợp với thực tiễn sẽ có những bất cập, bởi về mặt bản chất có công trình rồi mới có định mức. Trên thực tế, phương pháp nào cũng có ưu - nhược, không có phương án nào tối ưu hoàn toàn. Do đó, trong quá trình quản lý nhà nước, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu bổ sung.

- Với tinh thần vào cuộc rất nhanh và thẳng thắn nhìn nhận các bất cập, Bộ Xây dựng có giải pháp gì trong việc gỡ khó cho các công trình, dự án chuyên ngành hiện nay, thưa Thứ trưởng?

- Chúng tôi xác định việc tiếp tục nghiên cứu bổ sung về đơn giá, định mức là nội dung chương trình làm việc lớn của Bộ Xây dựng đang thực hiện. Theo đó, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch sử dụng xây dựng mô hình thông tin (BIM) để số hóa toàn bộ công trình, từ đó tạo thành bigdata để sau này có thiết kế mẫu trong mọi công đoạn từ thiết kế đến nghiệm thu, quyết toán đầy đủ. Trên cơ sở này giúp cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Xây dựng từng bước hình thành đơn giá phù hợp, một cách minh bạch.

Hiện, các công trình loại A hạng đặc biệt phải áp dụng BIM từ khâu chuẩn bị vật liệu đến thi công, quản lý máy thi công, công nghệ thi công, kể cả nghiệm thu, thanh quyết toán cũng số hoá.

Không để một định mức mà hai đơn vị cùng ban hành -0
Ảnh minh họa/ITN

Sẽ ban hành mới, điều chỉnh, bổ sung 865 định mức ngay quý I

- Ngày 9.1 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 02/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Vậy, Bộ Xây dựng đã và sẽ làm gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện?

- Công điện số 02 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện tinh thần hết sức khẩn trương trong việc giải quyết khó khăn về định mức, đơn giá xây dựng cũng như khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng hiện nay. Nếu như ngoài công trường, tinh thần thi công “vượt nắng thắng mưa”, làm xuyên Tết thì trong quản lý từ các bộ, ngành đến địa phương cũng phải quán triệt tinh thần này, không để ách tắc trong quá trình đầu tư, thi công dự án, công trình.

Tôi đề nghị thành lập một tổ công tác giữa Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, hai đơn vị chính là Cục Kinh tế xây dựng và Cục Hoạt động xây dựng nhanh chóng có hướng giải quyết khó khăn này.

Về định mức, hiện còn một số định mức chưa phù hợp, một số còn thiếu và chưa cập nhật. Tổ công tác sẽ có trách nhiệm phân loại cái nào thuộc Bộ Xây dựng, cái nào thuộc Bộ Giao thông Vận tải để bổ sung, điều chỉnh và ban hành mới. Tiêu chí là bảo đảm không trùng, không để một định mức mà hai đơn vị cùng ban hành.

Theo đó, ngay trong quý I.2024, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến ban hành mới và điều chỉnh, bổ sung 547 định mức dự toán công trình theo thẩm quyền. Tương tự, Bộ Xây dựng sẽ ban hành bổ sung 318 định mức theo thẩm quyền; đồng thời tiếp tục rà soát, ban hành bổ sung các định mức còn thiếu hoặc không phù hợp do công nghệ, điều kiện thi công thay đổi hoặc do vật liệu xây dựng mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Trên tinh thần không để kéo dài sang đến quý II, hai bộ sẽ phải thống nhất rà soát thủ tục pháp lý ngay trong quý I này. Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ ngay trong quý I và trong quý tiếp theo. Cả hai bộ sẽ tiếp tục phối hợp xác định những định mức cần phải ban hành khác, thuộc thẩm quyền của từng đơn vị hay thuộc các địa phương, để tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.

Về phía các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và địa phương nơi có dự án cũng rà soát định mức hiện tại và căn cứ vào quy định để đề xuất với Tổ công tác về định mức lạc hậu hay còn thiếu, lĩnh vực nào cần phải bổ sung nhưng trên tinh thần trung thực, khách quan. Chúng ta cần lấy đại lượng lớn, đại lượng trung bình là nguyên tắc ban hành, chứ không phải chạy theo thực tiễn, để cái gì cũng đòi ban hành thì sẽ rất khó.

- Hiện, vẫn còn một số khái niệm trong các quy định khiến chủ thể tham gia dự án lúng túng khi triển khai và bị vướng. Theo Thứ trưởng, cách nào tháo gỡ vấn đề này?

- Đối với vấn đề liên quan đến thể chế trong việc xác định định mức, tôi đề nghị giao Bộ Xây dựng rà soát hai việc.

Một là, làm rõ thế nào là chuyên ngành, thế nào là đặc thù, để có hướng dẫn thực thi. Nếu như hướng dẫn này vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền. Nếu không vượt thẩm quyền thì hướng dẫn thực hiện trên cơ sở ban hành thông tư. Đến lúc này, việc giải thích về chuyên ngành, đặc thù sẽ rất dễ. Chỉ khi có sự giao thoa về khái niệm thì Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải giải quyết.

Hai là, cần có hướng dẫn biện pháp xác định định mức trên cơ sở dữ liệu đáng tin cậy để bảo đảm định mức đúng và phù hợp. Liên quan đến giá đầu vào của tất cả công trình, về nguyên lý, khi quản lý đầu tư công là quản lý về chi phí; quản lý đầu tư PPP thì quản lý về lợi ích, lợi nhuận. Đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, chúng ta quản lý về đầu tư công nên phải kiểm soát chặt về chi phí, từ chi phí nhân công đến chi phí vật liệu xây dựng.

Riêng về giá vật liệu xây dựng, tôi đề nghị địa phương theo quy định hiện hành phải cập nhật, công bố kịp thời, bảo đảm sát với giá thị trường, công khai, minh bạch. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã điều chỉnh Thông tư về xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; trong đó, điều chỉnh quy định xác định nguồn giá vật liệu công trình phù hợp. Trên cơ sở này, việc công bố giá vật liệu xây dựng ở địa phương là trách nhiệm của địa phương. Sở Xây dựng trình UBND các tỉnh hoặc được UBND tỉnh ủy quyền để làm ban hành đúng và phù hợp.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

H. Lan thực hiện
#