Tham khảo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh

- Thứ Bảy, 27/05/2023, 19:58 - Chia sẻ

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tham khảo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và báo cáo đánh giá hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Báo cáo APCI 2022 chỉ ra rằng, nhóm thủ tục hành chính môi trường có mức chi phí tuân thủ cao nhất. Ảnh: MH

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng vừa có văn bản đề nghị Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tham khảo báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI 2022) và báo cáo Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Trước đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã xây dựng hai báo cáo này. 

Báo cáo APCI 2022 chỉ ra rằng, nhóm thủ tục hành chính môi trường có mức chi phí tuân thủ cao nhất.

Để thực hiện thủ tục hành chính trong nhóm môi trường năm 2022, trung bình mỗi doanh nghiệp mất 259,2 giờ (khoảng 32,4 ngày làm việc) và 23,6 triệu đồng chi phí trực tiếp.

Các quy định mới về các thủ tục môi trường yêu cầu hàm lượng chuyên môn cao với nhiều thông tin cần cung cấp trong bộ hồ sơ và tài liệu cần nộp.

Sự lúng túng trong việc hiểu và áp dụng các quy định mới không chỉ xảy ra với doanh nghiệp mà còn cả với các cơ quan quản lý cấp địa phương. Điều này làm gia tăng các chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục môi trường cấp tỉnh vẫn ở mức thấp. Chi phí không chính thức vẫn phổ biến ở mức 6,3%.

Trong khi đó, Báo cáo nghiên cứu Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 cho biết mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách với mức độ hiệu quả của các chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, các chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi thấp hơn (nhóm chính sách hỗ trợ về tài chính - tín dụng và nhóm chính sách hỗ trợ về thúc đẩy xuất khẩu - bảo vệ chuỗi cung ứng) lại được doanh nghiệp đánh giá là có hiệu quả tốt hơn, có ý nghĩa hỗ trợ tích cực hơn đối với doanh nghiệp so với các chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi cao. 

Vấn đề này gợi mở cho việc xây dựng các chiến lược, chính sách hỗ trợ sau này cần phải bảo đảm tính công bằng, đúng nhu cầu, nhưng không cào bằng trong việc hỗ trợ.

Vũ Quang
#