Tăng tính hấp dẫn của đất nông nghiệp

- Thứ Tư, 06/03/2024, 11:14 - Chia sẻ

Luật đã tạo ra một “khoảng rất rộng” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng tính hấp dẫn trong lĩnh vực đất nông nghiệp. Lâu nay, phân khúc thị trường đất nông nghiệp của chúng ta còn kém hấp dẫn. Với những quy định mới về đất nông nghiệp của Luật Đất đai đã tăng sức hấp dẫn của phân khúc thị trường đất nông nghiệp. Đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội tại Tọa đàm “Đưa quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng nay, 6.3, tại Hà Nội. 

Agribank hân hạnh đồng hành cùng tọa đàm

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân sử dụng đất nông nghiệp

Ông Tuyến cho biết, trong Luật Đất đai ông quan đến chính sách xây dựng chính sách pháp luật về đất nông nghiệp, trong đó có 2 khía cạnh:

Tăng tính hấp dẫn đất nông nghiệp -0
Toàn cảnh Tọa đàm “Đưa quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống”

Một là, yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai của các tổ chức, cá nhân. Theo đó, luật cho phép các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Thứ hai, tăng giới hạn, hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, rồi tích tụ tập trung đất đai và chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo ông Tuyến, Luật Đất đai đã giải quyết được hai vấn đề:

Một là nguồn lực bên ngoài, tức là khả năng kêu gọi đầu tư vào trong lĩnh vực đất đai thông qua việc cho phép các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện dự án. Điều này, giúp chúng ta có thể gia tăng khả năng gọi vốn, “bơm vốn” vào lĩnh vực đất đai.

Hai là, chúng ta giải quyết được vấn đề nội tại, ở quan hệ bên trong, tức là bản thân người nông dân cũng có thể kích cầu, tăng năng lực lên thông qua tích tụ tập trung đất đai để khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất. Từ việc chúng ta được nhận giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với quy mô lớn lên thì sẽ đáp ứng kỳ vọng, năng lực nội tại của người nông dân.

Tăng tính hấp dẫn đất nông nghiệp -0
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Hiện nay, Luật đã tạo ra một “khoảng rất rộng” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng tính hấp dẫn trong lĩnh vực đất nông nghiệp. Lâu nay, phân khúc thị trường đất nông nghiệp của chúng ta còn kém hấp dẫn. Với những quy định mới về đất nông nghiệp của Luật Đất đai đã tăng sức hấp dẫn của phân khúc thị trường đất nông nghiệp. Chúng ta cho phép sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ bảo vệ được các quyền lợi chính đáng của người nông dân sử dụng đất nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, phần lớn các dự án chủ yếu “chăm chăm” vào đất nông nghiệp. Trước đây, giá chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thấp, nên người nông dân bị thua thiệt.

Tăng tính hấp dẫn đất nông nghiệp -0
Các đại biểu dự Tọa đàm “Đưa quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống”

Với quy định mới của Luật Đất đai, chúng ta đã có những sự thay đổi rất tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích cho người dân. Đồng thời, chúng ta đã tháo gỡ được các điểm nghẽn pháp lý làm cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, ngoài nước và các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp họ có thể tham gia vào thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất thông qua cơ sở pháp lý là tích tụ tập trung đất đai. Tạo điều kiện đưa các công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành nông sản, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất xanh, sạch, có thể cạnh tranh và chinh phục thị trường của những quốc gia phát triển. Điều này, cũng làm cho người nông dân cảm thấy rất phấn khởi.

Mặt khác, khi hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tăng lên và giá thành nông sản sẽ tăng lên thì người nông dân sẽ gắn bó đầu tư vào đất đai. Khi người nông dân đầu tư vào đất đai thì lại mở ra thị phần, các kênh để cho các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn có thêm kênh để đầu tư. Đây cũng là yếu tố giúp người nông dân cảm thấy đất nông nghiệp ngày càng quý giá.

Thêm nữa, với quy định mới của Luật Đất đai, chúng ta cũng đang tạo ra một mô hình, một sự chuyển đổi hoặc là sự kết hợp để làm bất động sản du lịch, nông nghiệp. Đây là một hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

Xây dựng văn bản hướng dẫn tránh “ngoại biên chính sách”

Tuy nhiên, ông Tuyến cũng lưu ý nếu chúng ta thực thi không tốt thì vẫn có những ảnh hưởng "ngoại biên chính sách", tức là có những hệ lụy không mong muốn. Ví dụ như, chúng ta không có những văn bản quy định chi tiết, thì sẽ xảy ra tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách để bao chiếm đất nông nghiệp của người nông dân và làm cho người nông dân - những người yếu thế không có đất. Thứ hai, có thể nảy sinh tình trạng là thu gom đất nông nghiệp, tự phân lô, bán nền rồi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp như đã xảy ra. Do đó, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ chính sách tín dụng, chính sách thị trường và có giải pháp phải hỗ trợ người nông dân.

Trong tổ chức thực cần phải quy định rất cụ thể, rất chi tiết, từng bước một thì các cơ quan thực thi mới dựa vào các quy định đó để thực hiện. Muốn vậy, cần sớm ban hành các văn bản chi tiết, phải đáp ứng được sự thống nhất, đồng bộ.

Điểm đáng lưu ý là khi xây dựng quy định dưới luật cần tránh các “kẽ hở” hay gọi là “ngoại biên của chính sách”, lợi ích nhóm … Chúng ta phải tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, chi tiết, cụ thể thì các ngành, địa phương mới có thể thực hiện được.

Lê Hùng
#