Phòng tránh lừa đảo khi xuất khẩu

- Chủ Nhật, 06/08/2023, 04:54 - Chia sẻ

Mới đây, 5 container điều, hồ tiêu, hoa hồi, quế của doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) nghi ngờ bị lừa đảo và có nguy cơ mất nửa triệu USD. Thủ tướng đã có chỉ đạo giải quyết. Song, vấn đề đặt ra là, có cách nào để các doanh nghiệp tránh được rủi ro khi xuất khẩu?

Nhanh chóng tháo gỡ cho doanh nghiệp

Theo phản ánh mới đây của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Hiệp hội Điều Việt Nam, 4/5 container xuất khẩu sang UAE (2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container hoa hồi và 1 container điều) đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán tiền, tổng trị giá khoảng 400 nghìn USD; còn lại 1 lô hàng hoa hồi trị giá 126,3 nghìn USD đã cập cảng Jebel Ali (UAE) cuối tháng 7 vừa qua và bộ chứng từ gốc cũng đã bị mất.

Cả 5 conainer này có người mua chung là Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (BARFT), địa chỉ tại Dubai, UAE; ngân hàng thu hộ người mua là Ajman Bank PJSC; điều khoản thanh toán là nhờ thu D/P (tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán giao tới ngân hàng người mua, sau đó người mua tới ngân hàng người mua thanh toán tiền, sau khi ngân hàng người mua nhận đủ tiền sẽ đồng thời chuyển tiền hàng về ngân hàng người bán và giao phát bộ chứng từ xuất khẩu cho người mua để người mua tiến hành thủ tục nhập khẩu và kéo container ra khỏi cảng nhập).

Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank và nhân viên ngân hàng Ajman Bank đã xác nhận ký nhận thành công 5 bộ chứng từ. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman. Các công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 containers hàng đều đã biến mất khỏi cảng.

Trước phản ánh của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại UAE tiếp tục khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của UAE, đề nghị phía bạn phối hợp điều tra, làm rõ vụ việc 4 container nông sản đã bị mất để có biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp sở tại. 

Về phía Bộ Công Thương cũng đã nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã có Công hàm gửi Đại sứ quán liên quan và đề nghị Đại sứ quán thông báo với các Cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý vụ việc. Bộ cũng tổ chức họp khẩn với Đại sứ quán của bên liên quan, đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp là chủ những lô hàng xuất khẩu sang Trung Đông; đồng thời chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại khu vực Trung Đông sớm xử lý vụ việc.

Sử dụng “van an toàn” thông qua doanh nghiệp dịch vụ logistics

Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị lừa đảo trong thương mại quốc tế. Đầu năm ngoái, gần 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy cũng bị nghi lừa đảo do mất bộ chứng từ gốc khi hàng đang trên tàu di chuyển đến cảng. Rất may, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan, các lô hàng này đều đã về tay doanh nghiệp Việt Nam. 

Phân tích về rủi ro của các doanh nghiệp lần này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải cho rằng, phương thức thanh toán D/P về cơ bản có độ tin cậy khá cao, do thông qua ngân hàng của Việt Nam và ngân hàng phía đối tác nên doanh nghiệp có thể thu lại tiền khi xuất khẩu. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chỉ có thể đòi tiền từ phía ngân hàng, mà muốn vậy phải chứng minh được là đã giao chứng từ cho ngân hàng.

Để phòng tránh rủi ro trong xuất khẩu, ông Hải lưu ý, doanh nghiệp có thể sử dụng các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Khi đó, công ty logistics của Việt Nam sẽ gửi hàng đến công ty logistics ở nước nhập khẩu (là đối tác tin cậy, đã được kiểm chứng) thay vì gửi trực tiếp tới người mua, sau đó công ty logistics của nước nhập khẩu mới chuyển hàng đến cho người mua. Như vậy, kể cả người mua có chứng từ gốc cũng không thể nhận được hàng vì thông tin không phù hợp với tên người nhận hàng trên chứng từ. “Đây là giải pháp trong tầm tay”, ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ tư vấn, dịch vụ pháp lý, coi các công ty tư vấn, công ty luật là người đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không phải chỉ khi xảy ra tranh chấp. Các công ty này sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu về đối tác, rà soát hợp đồng để tránh những điều khoản bất lợi cài cắm trong đó, trong trường hợp phát sinh tranh chấp sẽ hỗ trợ hoặc thay mặt doanh nghiệp để xử lý.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần mua bảo hiểm cho hàng hóa để giảm bớt tổn thất trong trường hợp có rủi ro, tranh chấp; yêu cầu giám định, kiểm định hàng hóa trước khi giao hàng (đối với trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài). Các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên chia sẻ, cập nhật thông tin, nâng cao ý thức cảnh giác với những dấu hiệu bất thường như người mua sử dụng địa chỉ email miễn phí để giao dịch; người mua đưa ra những yêu sách dồn dập, thường xuyên thay đổi; người mua lảng tránh việc gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp; người mua đặt mua những lô hàng đầu với số lượng nhỏ, thanh toán đầy đủ sau đó đột nhiên đặt hàng với số lượng lớn…

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) Nguyễn Thị Huyền cho rằng, trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng hiện nay, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu bán được hàng và tìm cách tạo thuận lợi nhất cho khách hàng nên không yêu cầu đặt cọc hoặc đặt cọc ở mức rất thấp, sử dụng D/P hoặc thanh toán bằng tiền khi nhận được chứng từ, chính điều này đã tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nên làm chặt chẽ ngay từ đầu là yêu cầu khách hàng đặt cọc giá trị lớn để giảm thiểu rủi ro.

Một giải pháp nữa được các chuyên gia chỉ ra là doanh nghiệp có thể mua thông tin về người mua từ các công ty tư vấn doanh nghiệp, công ty đánh giá tín nhiệm. Các công ty này có kho dữ liệu rất lớn về các doanh nghiệp, được cập nhật thường xuyên. Mặt khác, doanh nghiệp có thể thông qua các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và cơ quan thương vụ nước ngoài tại Việt Nam để tìm hiểu về người mua, qua đó phòng tránh được rủi ro khi giao dịch.

Đan Thanh
#