Nhiều việc phải làm để xuất khẩu cà phê đạt 6 tỷ USD

- Chủ Nhật, 16/07/2023, 05:11 - Chia sẻ

Theo các chuyên gia, ngành cà phê muốn phát triển xứng với tiềm năng, đạt được mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030 thì cần tập trung đẩy mạnh chuỗi liên kết - hợp tác - tiêu thụ - chế biến.

Hiện cà phê xuất khẩu chỉ ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao
Hiện cà phê xuất khẩu chỉ ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao

Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của nước ta. Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), diện tích cà phê năm 2022 khoảng 710.000ha, sản lượng hơn 1,84 triệu tấn (năng suất 28,2 tạ/ha); tạo việc làm và thu nhập cho trên 600.000 hộ nông dân với 2 triệu lao động. Tuy nhiên, cà phê Việt chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng cà phê đưa vào chế biến trên 1,5 triệu tấn/năm, với 3 sản phẩm chế biến. Trong đó, chế biến cà phê nhân có trên 100 cơ sở với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn; chế biến cà phê bột (cà phê rang xay) có 620 cơ sở với tống công suất 73.150 tấn sản phẩm/năm (gần 50% là cơ sở chế biến nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình). Riêng chế biến sâu, hiện cả nước mới có 06 nhà máy cà phê hòa tan, 17 nhà máy, cơ sở sản xuất cà phê phối trộn, với tổng công suất khoảng 220.000 tấn sản phẩm/năm, đạt tỷ lệ 12%.

Lâm Đồng có diện tích cà phê đứng thứ 2 cả nước với 172.000ha, sản lượng trên 532.000 tấn/năm. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng Cao Thị Thanh, diện tích cà phê của địa phương chủ yếu tập trung ở các nông hộ từ 1 - 3ha. Điều này khiến việc hình thành các hợp tác xã, chuỗi liên kết cung ứng số lượng lớn còn khó khăn. Một số nông hộ chưa chú trọng đến việc thu hoạch bảo đảm yêu cầu, chất lượng. Bên cạnh đó, phần lớn cà phê của tỉnh là robusta (trên 160.000ha), giá loại này thấp hơn các giống khác.

Cũng theo bà Thanh, tỷ lệ chế biến tinh cà phê ở Lâm Đồng còn rất thấp nên giá trị thương mại không cao. Địa phương cũng không có cảng biển nên chi phí logistics tăng cao; các nước thu hẹp thị trường xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ giảm sút.  

TS. Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng ngành cà phê chưa thiết lập được một hệ thống thu mua bài bản ở địa phương và doanh nghiệp. Khâu tổ chức sản xuất trong tổ hợp tác, hợp tác xã còn yếu. Việc dự báo thị trường, cung cấp cho nông dân, doanh nghiệp chưa kịp thời. Khâu giám sát, kiểm tra chất lượng tiêu chuẩn còn chung chung, thiếu sự sâu sát với thị trường xuất khẩu. Chúng ta cũng chưa nắm bắt tường tận văn hóa cà phê mà các thị trường chủ lực đã từng bán. Như người ta uống như thế nào? Diễn biến ra sao? Khẩu vị như thế nào? Dự báo xu thế của thị trường ra sao?

Ngành cà phê Việt Nam là “con hổ nhưng chưa có tiếng gầm”, tiếng gầm ở đây chính là liên kết - hợp tác - tiêu thụ - chế biến, TS. Hoàng Trọng Thủy nói.

Nếu đã xác định cà phê là mặt hàng chủ lực, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho nền kinh tế thì cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành và các bên liên quan. Theo TS. Hoàng Trọng Thủy, Bộ Công thương, nhất là các Tham tán thương mại ở nước ngoài, cần cung cấp đầy đủ diễn biến về thị trường, khẩu vị, tiêu dùng, các tiêu chuẩn và chất lượng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần quy hoạch vùng trồng theo hệ sinh thái ở các vùng chủ lực, bảo đảm giống khỏe, giống tốt cung cấp cho địa phương. Các chuyên gia môi trường cảnh báo nếu như thời tiết nóng lên, lượng mưa thay đổi thì đến năm 2050 diện tích cà phê của Việt Nam có thể mất đi 50%, do đó phải bảo đảm lượng nước cho cây trồng; bên cạnh đó, ban hành những tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Cùng với đó, các bộ liên quan như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kho chứa, bảo quản, bến bãi, lãi suất…

Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam để trở thành động lực hỗ trợ cho doanh nghiệp và bà con nông dân. Tín dụng tốt sẽ mở cửa cho khoa học kỹ thuật, cho tổ chức sản xuất, cho giống… nhưng nông dân đang khó trong việc tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước phải hỗ trợ để tháo gỡ vấn đề này. 

“Nếu các bên ngồi lại được với nhau, cùng nỗ lực, chia sẻ thì ngành cà phê sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Hạnh Nhung