Nhiều khó khăn với nông sản hữu cơ

- Thứ Sáu, 17/11/2023, 15:16 - Chia sẻ

Thị trường nông sản hữu cơ gặp nhiều thách thức vì người tiêu dùng khó truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nguồn hàng không ổn định. 

Đây là ý kiến của TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tại tọa đàm “Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý môi trường”, sáng 17.11.

Còn nhiều khó khăn trong phát triển thị trường nông sản hữu cơ -0
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Vũ Quang

Theo TS. Nguyễn Hồng Hạnh, theo khái niệm, sản xuất hữu cơ phải đạt được “5 không”. Đó là không phân bón hóa học; không chất kích thích tăng trưởng; không hóa chất bảo vệ thực vật; không chất diệt cỏ; không sinh vật biến đổi gen.

Theo thống kê, giá trị tổng thị trường thực phẩm hữu cơ ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh năm 2016 là khoảng 33 tỷ đồng, đến năm 2025 có thể đạt 400 tỷ đồng.  

Báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ năm 2017 của AC Nielsen chỉ ra rằng, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm hữu cơ cho bữa ăn hàng ngày bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị thơm ngon.

Đánh giá về xu thế ăn uống “thông minh”, bà Hạnh cho rằng, có nhiều thành phần nhạy cảm mà người tiêu dùng Việt muốn tránh, đó là chất bảo quản nhân tạo (70%), màu sắc nhân tạo (68%) và hương vị nhân tạo (65%).

Cùng với đó, khoảng 70% người tiêu dùng chú ý tới các thành phần trong thực phẩm, thức uống và họ muốn biết tất cả mọi thứ tạo nên thực phẩm đó. 79% người Việt chủ động lựa chọn chế độ ăn uống để giúp ngăn ngừa tình trạng sức khỏe như béo phì, tiểu đường, cholesterol cao hoặc tăng huyết áp.

Theo bà Hạnh, nhu cầu sống khỏe mạnh mở ra nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống, nhất là với nông sản hữu cơ.

Tuy nhiên, thị trường nông sản hữu cơ hiện gặp nhiều thách thức. Cụ thể là người tiêu dùng khó truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên không kiểm soát được các khâu chế biến hậu thu hoạch; thiếu thông tin về bảo quản, bảo quản và vận chuyển.

Quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhỏ lẻ khiến các nhà phân phối, bán lẻ khó có nguồn hàng ổn định và gặp rủi ro về bảo đảm chất lượng do nhà sản xuất dễ phá vỡ hợp đồng. Họ phải chịu chi phí truyền thông, xây dựng hệ thống, lưu kho, vận chuyển, bảo quản… dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.

Vũ Quang
#