Năm 2024 vẫn cần điều chỉnh giá điện

- Thứ Ba, 07/11/2023, 17:51 - Chia sẻ

Đây là đề xuất tại tọa đàm "Cung ứng điện cho năm 2024 - Những vấn đề cấp bách đặt ra" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 7.11.

“Năm 2024 vẫn cần điều chỉnh giá điện” -0
Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: VGP

Thiệt hại 1,4 tỷ USD do thiếu điện cục bộ ở miền Bắc

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc chỉ đạo bảo đảm cung ứng điện.

Minh chứng là ngay từ tháng 4.2021, vấn đề quan tâm đầu tiên của Thủ tướng và Thường trực Chính phủ là đôn đốc để bảo đảm cung ứng điện. Tiếp đến, trong năm 2022, sau khi hết dịch, Thủ tướng trực tiếp đi chỉ đạo những công trình cụ thể như Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2… là những công trình đã khởi công từ rất lâu nhưng chậm đưa vào hoạt động do khó khăn.

Kết quả là, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 đã đi vào hoạt động. Mới nhất, Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện đầu tư các Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), phấn đấu hoàn thành trong tháng 6.2024 để bảo đảm cung ứng điện cho năm này cũng như các năm tiếp theo.  

Dù vậy, theo đánh giá của PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, ngành điện vẫn còn những bất cập, từ quy hoạch đến tổ chức thực hiện quy hoạch ở cả 3 khâu là sản xuất, truyền tải và phân phối.

Phân tích rõ hơn, ông Hồi cho biết, về mặt cơ cấu giá thành, cung ứng điện gồm có 4 phần: sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ, trong đó riêng sản xuất đang chiếm 70 - 80% cơ cấu giá thành. Phần nguồn điện cơ bản đã theo sát thị trường, chịu tác động trực tiếp từ các biến động của đầu vào. Trong khi đó, phần truyền tải, phân phối, bán lẻ thì giá điện do Chính phủ quy định và thẩm quyền là của Thủ tướng. “Chúng tôi luôn mong muốn và kỳ vọng là cơ chế điều chỉnh giá của Chính phủ mang hơi hướng, tín hiệu của thị trường”, ông Hồi phát biểu.

Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, đầu vào cho sản xuất điện tăng, nhưng giá điện lại không được điều chỉnh kịp thời vì để bảo đảm an sinh xã hội cũng như các vấn đề vĩ mô. Theo đó, trong vòng 4 năm, giá điện chỉ tăng 3%, không đủ bù đắp chi phí sản xuất.

Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán điện không được điều chỉnh kịp thời đã khiến các doanh nghiệp trong ngành phải cố gắng vận hành sao cho kinh tế nhất. Điều này không mang lại hiệu quả về việc cung ứng điện và thực tế đã có rủi ro khi các tổ máy gặp sự cố do một phần không được bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên, kịp thời.

Hệ quả là, trong giai đoạn nắng nóng vừa qua, một phần do lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc không đủ, mặt khác do sự cố tại các nhà máy đã dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ, dù chỉ trong thời gian rất ngắn song theo tính toán của Ngân hàng Thế giới thiệt hại lên tới 1,4 tỷ USD.

“Chúng ta phải cân nhắc rất kỹ bài toán điều tiết giá điện phản ánh hơi hướng thị trường để bảo đảm phát triển bền vững và an sinh xã hội”, ông Hồi lưu ý.

“Năm 2024 vẫn cần điều chỉnh giá điện” -0
Theo chuyên gia, năm 2024 vẫn phải tiếp tục điều chỉnh giá điện để bảo đảm ngành điện hoạt động đúng theo chi phí mà họ thực hiện. Ảnh: ITN

Xây dựng các kịch bản để chủ động ứng phó

Để bảo đảm cung ứng điện cho những tháng cuối năm nay và năm 2024, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan, nêu rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành điện.

Thủ tướng cũng chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân theo hướng cho phép điều chỉnh giá điện theo thực tế…

Đề xuất giải pháp cụ thể, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho rằng, đối với các dự án nguồn điện đang đầu tư, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm đưa vào vận hành. Với các nguồn sẵn có, cần bảo dưỡng đầy đủ để kế hoạch khai thác không bị phá vỡ, công tác dự báo cũng cần chuẩn chỉnh hơn để khai thác hài hòa các nguồn năng lượng.

Cần phải có kế hoạch tổng thể, có các kịch bản khác nhau để ứng phó với biến động khôn lường, như thế sẽ tránh được bài học thiếu điện của năm 2023; đồng thời, cần tính toán kỹ đến việc nhập khẩu nguồn điện để bảo đảm cung ứng điện cho năm tới – vị đại biểu này khuyến cáo.

Cũng theo Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, cần xem xét sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện áp mái, để bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc cũng như cả nước. Muốn vậy, phải nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách cho năng lượng tái tạo, như có quay lại giá FIT hay không, giá FIT bao nhiêu là phù hợp? Có thể mua điện áp mái của nhà dân không? Đây là việc “có thể làm tức thời” để huy động các nguồn điện cho mục tiêu bảo đảm cung ứng điện,.

Đáng chú ý, theo đại biểu này, cần hoàn thiện thể chế điều hành giá của Chính phủ, nâng cấp cơ chế điều hành giá ở cấp văn bản cao hơn (tầm Nghị định) để việc điều chỉnh mang tính định kỳ, kịp thời hơn. “Năm 2024 vẫn phải tiếp tục điều chỉnh giá điện” để bảo đảm ngành điện hoạt động đúng theo chi phí mà họ thực hiện, ông Hồi nhấn mạnh.

Chia sẻ với ý kiến trên, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, bổ sung, cần huy động nguồn lực để triển khai các dự án điện mới; đẩy nhanh thực hiện đường dây 500kV mạch 3.

Dẫn bài học thực tế từ bang California (Mỹ) từng bị thiếu điện do Nhà nước quy định giá bán thấp dẫn đến không đủ chi phí sản xuất, ông Long nhấn mạnh, giá điện cũng là điểm nghẽn lớn nhất với ngành điện nước ta hiện nay.  Do đó, cần phải bảo đảm tính đúng, tính đủ và kịp thời giá điện. Khi đó sẽ góp phần thu hút đầu tư vào ngành điện.

Đ. Thanh
#