Lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu

- Thứ Ba, 07/05/2024, 21:03 - Chia sẻ

Ngày 7.5, tại Hà Nội, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam -VINPA đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.

Cần xem xét, sửa đổi nhiều quy định

Ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cho biết: Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu từ khi có hiệu lực đến nay đã được sửa đổi bởi các Nghị định 08/2018, Nghị định 95/2021, Nghị định 80/2023. Trong thời gian 10 năm thực hiện Nghị định 83, thị trường xăng dầu cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, giá xăng dầu tại thị trường trong nước vận hành theo xu hướng giá xăng dầu thế giới; hệ thống phân phối xăng dầu được mở rộng với nhiều đối tượng tham gia, bước đầu tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường; nguồn cung xăng dầu cho thị trường nhìn tổng thể đã được bảo đảm cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu -0
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch VINPA chủ trì hội nghị. Ảnh: BN

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu cần phải được xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế để đáp ứng thực tiễn hiện nay, cũng như xu thế phát triển sắp tới. Cụ thể, tình hình an ninh năng lượng trên thế giới chịu ảnh hưởng nhiều của các yếu tố dẫn tới giá dầu diễn biến phức tạp, khó dự báo. Trong khi, nước ta đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, dẫn tới thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, trong đó có mặt hàng xăng dầu được cắt giảm theo lộ trình cam kết. Cùng với đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung như Luật Giá, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý ngoại thương… dẫn tới một số quy định điều hành thị trường xăng dầu cũng có nhiều thay đổi. Mặt khác, cơ cấu nguồn xăng dầu trong nước đã đáp ứng được 70% nhu cầu nội địa…

Việc thực hiện “số hóa” trong kinh doanh xăng dầu mặc dù đã được một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai thực hiện nhưng chưa đáp ứng theo xu hướng của cuộc cách mạng 4.0.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc góp ý dự thảo thay thế Nghị định 83 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung, Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã gửi xin ý kiến của các hội viên và đề nghị các hội viên nghiên cứu, xây dựng báo cáo gửi hiệp hội để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương.

Theo đó, Hiệp hội đã nhận được một số ý kiến của hội viên, các nhà khoa học. Các ý kiến chủ yếu tập trung nhiều vào các vấn đề về giá, quyền của doanh nghiệp trong xác định giá, các khoản chi phí phản ánh trong công thức giá, các điều kiện tổ chức kinh doanh, những quy định liên quan đến quỹ bình ổn, lượng hàng tồn kho bắt buộc…

Tuy nhiên, có rất ít hội viên gửi báo cáo và cùng một nội dung có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, việc tổ chức hội nghị nhằm tạo được sự thống nhất và có tiếng nói chung, kiến nghị với cơ quan quản lý để việc xây dựng nghị định mới phù hợp với thực tiễn kinh doanh hiện nay cũng như xu thế phát triển trong tương lai.

Nhiều kiến nghị đã được doanh nghiệp đề xuất

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ xăng dầu đã cùng nhau góp ý vào dự thảo nghị định. Trong đó, các ý kiến chủ yếu tập trung nhiều vào các vấn đề về giá, quyền của doanh nghiệp trong xác định giá, các khoản chi phí phản ánh trong công thức giá, các điều kiện tổ chức kinh doanh, lượng hàng tồn kho bắt buộc…

Lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu -0
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam -Petrolimex phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BN

Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam -Petrolimex, trong các nghị định trước đây, có quy định tương đối rõ nội hàm hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối, phân phối gồm những gì. Tuy nhiên, lần này, trong nghị định không nói điều này. Nguyên do, khái niệm liên quan tới thương nhân bán lẻ xăng dầu - có hình thức mua bán xăng dầu.

Cùng với đó, cần quy định cơ sở kinh doanh phải đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường. Bởi phải tính đến yếu tố nhân viên sẽ không thực hiện bán xăng khi cơ sở kinh doanh triển khai trạm bán xăng tự động thì việc quy định trách nhiệm của nhân viên sẽ không còn mà thay vào đó là trách nhiệm của cơ sở kinh doanh.

Liên quan tới dự trữ lưu thông, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT PVOil cho rằng, về nguyên tắc dự trữ lưu thông an ninh quốc gia là trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp là nộp thuế. Vì vậy, việc quy định mức dự trữ 20 ngày như hiện nay là hợp lý, tránh gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu -0
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOil phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BN

“Hiện nay, chúng ta đang bỏ qua vai trò lớn đó là dự trữ của 2 nhà máy lọc dầu. Thực tế, họ luôn luôn có lượng dầu thô đáp ứng 20 - 30% lượng dự trữ để đảm bảo vận hành. Riêng 2 nhà máy lọc dầu dự trữ 14 ngày”, ông Cao Hoài Dương chia sẻ.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thay mặt Tổ biên tập ban soạn thảo ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, các đại lý bán lẻ xăng dầu. Đồng thời, giải trình và tiếp tục xin ý kiến từ các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, từ đó hoàn thiện nội dung nhằm xây dựng nghị định mới phù hợp với thực tiễn kinh doanh cũng như xu thế phát triển trong tương lai. Khi nghị định được ban hành sẽ giải quyết các vấn đề căn cơ nhất, lớn nhất trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Cao Linh
#