Làm rõ khoản lỗ của EVN sẽ tránh hồ nghi về giá điện

- Thứ Tư, 10/05/2023, 06:43 - Chia sẻ

Theo các chuyên gia, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực (EVN) là rất cần thiết. “Khi đó, việc tăng giá điện sẽ tránh được sự hồ nghi trong nhân dân”, TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP. Hồ Chí Minh nói.

Lỗ vì chi phí phát điện tăng cao?!

Trong Báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23 khai mạc sáng qua, Ủy ban Kinh tế nêu rõ: Một số ý kiến cho rằng việc tăng giá điện của EVN khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm. Cơ chế giá điện hiện nay là không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp (trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay nhưng chưa được xem xét, thay đổi. Chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.

Năm 2022, EVN báo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa ITN
Năm 2022, EVN báo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng. Nguồn: ITN

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.

Trước đó, tại cuộc họp thông báo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN cuối tháng 3 vừa qua, đại diện Bộ Công thương lý giải, thua lỗ của EVN là do giá thành sản xuất kinh doanh điện tăng, nhưng giá bán điện kể từ năm 2019 đến nay chưa được điều chỉnh. Cụ thể, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; tương ứng năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27%. So với mức giá bán lẻ điện bình quân trước thời điểm điều chỉnh giá điện ngày 4.5.2023 là 1.864,44 đồng/kWh, EVN phải bán lỗ gần 168 đồng/kWh.

Do chi phí đầu vào tăng, chủ yếu khâu phát điện tăng gần 21,5% so với năm 2021 (theo EVN, chỉ số giá than, khí, dầu, đặc biệt là than năm 2022 tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4 - 5 lần, trong khi giá dầu tăng 2 lần) khiến Tập đoàn lỗ gần 26.240 tỷ đồng. Đáng nói, vẫn còn các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022, bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện hơn 14.000 tỷ đồng.

Với việc điều chỉnh tăng 3% giá điện từ ngày 4.5.2023, EVN dự kiến thu thêm hơn 8.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại năm nay, giúp Tập đoàn bớt khó nhưng "khó khăn về tài chính vẫn còn", đại diện EVN xác nhận. EVN cho biết sẽ áp dụng nhiều giải pháp để giảm lỗ như giảm chi phí thường xuyên 15% (tăng 5% so với năm ngoái), giảm sửa chữa lớn 40%, hạ tiền lương, chi phí nhân công, áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện, huy động tối đa nguồn điện giá rẻ và đàm phán lại với các nhà cung ứng nhiên liệu (than, khí) để giảm chi phí đầu vào...

Tính đúng, tính đủ và công khai thì giá nào người dân cũng đồng tình

Đề nghị làm rõ khoản lỗ của EVN của Ủy ban Kinh tế được nhiều chuyên gia ủng hộ. TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP. Hồ Chí Minh, người chuyên làm nghiên cứu về năng lượng điện bày tỏ “hoàn toàn đồng tình”. “Đáng ra, Chính phủ phải làm việc này sớm hơn”, ông nói.

“Số liệu thua lỗ là EVN và Bộ Công thương cung cấp. Bây giờ, rất cần Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp để làm rõ khoản lỗ này”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bổ sung. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần minh bạch hơn về số liệu, làm rõ khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của EVN.

Phân tích rõ hơn, TS. Nguyễn Bách Phúc cho rằng thua lỗ của EVN “không đơn thuần chỉ là vấn đề tăng chi phí đầu vào”. “Nguyên tắc kinh doanh là giá thương phẩm của sản phẩm bán ra phải cao hơn giá đầu vào (giá thành sản phẩm) thì kinh doanh mới có lãi. Việc giá đầu vào lên xuống là bình thường của kinh tế thị trường, người làm kinh doanh phải tính toán và dự liệu để kinh doanh có lợi. Nhưng lâu nay, giá bán điện của EVN luôn dưới giá thành, đặc biệt giá điện sinh hoạt lại cao hơn giá điện sản xuất là một nghịch lý, dẫn đến tình trạng người dân sử dụng điện sinh hoạt đang bù lỗ rất nhiều cho khối doanh nghiệp, cho nhà đầu tư, đặc biệt là cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là cho dự án tiêu tốn nhiều năng lượng như luyện thép, xi măng. Khoảng 10 năm trước, tôi đã tính toán mỗi năm ngân sách đã phải bỏ ra khoảng 8 - 10 tỷ USD để hỗ trợ giá điện cho các doanh nghiệp FDI”, ông Phúc cho biết.

Theo vị chuyên gia này, cần tính đúng, tính đủ và phải công khai cách tính giá điện, làm rõ các chi phí đầu vào. Theo một luận văn Thạc sĩ về việc tính giá điện thực tế ở Việt Nam được ông Phúc hướng dẫn thực hiện chừng 5 năm trước, giá bán mỗi kWh điện phải vào khoảng 6.000 đồng. “Nếu tính đúng, tính đủ và công khai cách tính giá điện, tôi tin rằng dù mức giá nào người dân cũng sẽ đồng tình. Đáng tiếc, tôi đã nhiều lần kêu gọi phải công khai cách tính giá điện nhưng vẫn chưa ai làm”.

Cần nhắc lại rằng, năm 2022 không phải là năm duy nhất EVN thua lỗ. Do đó, yêu cầu làm rõ khoản lỗ của EVN “dù muộn” nhưng khi làm được điều này, “việc tăng giá điện sẽ tránh được sự hồ nghi trong nhân dân”, ông Phúc nói. 

Minh Châu