Kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2024 phục hồi tích cực

- Thứ Bảy, 02/03/2024, 21:07 - Chia sẻ

Chiều 2.3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp. 

Trên 22.100 doanh nghiệp thành lập mới

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, sáng 2.3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2 năm 2024 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024, tình hình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 đầu năm 2024 phục hồi tích cực -0
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, tạo động lực mới, khí thế mới và đà phát triển thời gian tới.

Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Các khu vực kinh tế phát triển ổn định. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Tính đến ngày 15.2, cả nước gieo cấy được trên 2.557 nghìn ha lúa Đông Xuân. Ngành chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt… Ngành thủy sản, tính chung 2 tháng đầu năm 2024 tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 1.211 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nuôi trồng ước đạt 659,7 nghìn tấn, tăng 3,1%, khai thác ước đạt 551,4 nghìn tấn, tăng 0,1%.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 đầu năm 2024 phục hồi tích cực -0
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2

Sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, ngành khai khoáng giảm 3,5%.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 798,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 118,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 9 nghìn tỷ đồng, tăng 35,8%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6%. Trong đó xuất khẩu tăng 19,2% (khu vực trong nước tăng 33,3%, cao hơn nhiều khu vực FDI (14,7%); nhập khẩu tăng 18%; xuất siêu 4,72 tỷ USD.

Về thu, chi ngân sách nhà nước, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng chi ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 260,7 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, tăng 7,7%.

Thông tin về tình hình đầu tư phát triển, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, đến nay, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 29.2 là khoảng 60 nghìn tỷ đồng, đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tính đến ngày 20.2, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 2 tháng đầu năm có trên 22.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,4% và có 19 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 4,4%; nâng tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường lên hơn 41 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm 2024 ước tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 798,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 118,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 9 nghìn tỷ đồng, tăng 35,8%.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp an sinh xã hội

Bên cạnh đó, giải pháp nhằm thực hiện an sinh xã hội, lao động, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động được thực hiện một cách hiệu quả.

Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, nâng cao hiệu quả quản lý, điều tiết cung - cầu lao động để kết nối hiệu quả người lao động với người sử dụng lao động…

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng cho biết, thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về chăm lo, chuẩn bị Tết cho nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết, không để ai không có Tết. Các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ Tết được triển khai đầy đủ, kịp thời, có đổi mới và thiết thực hơn, với tổng số tiền đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho 13,9 triệu đối tượng chính sách theo chế độ, với kinh phí khoảng 7.762 tỷ đồng; xuất cấp 12,7 nghìn tấn gạo cứu trợ, cứu đói cho gần 850 nghìn nhân khẩu trong dịp Tết và giáp hạt đầu năm.

Các cấp công đoàn tại các địa phương tổ chức nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho đoàn viên công đoàn, người lao động nhằm đảm bảo cho mọi người đón Tết vui tươi, đầm ấm…

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 đầu năm 2024 phục hồi tích cực -0
Quang cảnh cuộc họp báo

Thông tin về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, thời gian qua, chúng ta đã tích cực triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24.11.2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hoá, thể thao, nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, lễ hội truyền thống để mừng Đảng, mừng Xuân, đón Tết đã được tổ chức. Các chương trình đó bảo đảm an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy du lịch. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết nhân dịp 94 năm thành lập Đảng, góp phần khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân. Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, nhiều phong trào tập luyện và thi đấu thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân được tổ chức.

Đức Hiệp - Minh Quân
#