Kinh tế tập thể góp phần giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều

- Thứ Bảy, 09/12/2023, 17:17 - Chia sẻ

Nhiều năm qua, mô hình kinh tế tập thể được xem là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong xóa đói giảm nghèo tại khu vực nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Các hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả đã góp phần tích cực vào đảm bảo an sinh xã hội như tạo việc làm, nâng cao thu nhập, tăng khả năng tiếp cận đa chiều, từng bước cải thiện diện mạo nông thôn và tái cơ cầu ngành nông nghiệp.

Thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, cả nước hiện có khoảng trên 29.000 HTX, trên 223.000 tổ hợp tác. Trong đó, số HTX nông nghiệp chiếm trên 64% tổng số HTX cả nước. Riêng vùng dân tộc thiểu số có khoảng 5.000 HTX và hơn 10.000 tổ hợp tác. Khu vực HTX đang thu hút 3,2 triệu hộ nông dân. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết vùng là vấn đề vô cùng quan trọng giúp các HTX liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra.

Xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình với phần lớn diện tích là đất đồi, cây trồng chủ yếu là bí các loại nhưng vì điều kiện địa lý chưa thuận lợi cho việc tiêu thụ, vật lộn với bài toán được mùa mất giá khiến người nông dân nhụt chí, bỏ ruộng. Nhận thấy địa hình phù hợp với cây cà gai leo lại tận dụng được lượng nhân công bản địa thông thạo địa hình, thổ nhưỡng, anh Bùi Quý Hợi đã mạnh dạn thành lập HTX trồng cà gai leo làm dược liệu. Năm 2016, HTX Nông Lâm Bảo Hiệu được thành lập, anh Hợi không chỉ cung cấp miễn phí cây giống cà gai leo mà còn hướng dẫn kỹ thuật trồng cà gai leo và đứng ra bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con.

Theo anh Bùi Quý Hợi, Giám đốc HTX Nông Lâm Bảo Hiệu, để có được sản phẩm chất lượng thì cần phải đi đôi với việc nguyên liệu đầu vào ổn định, vì thế, HTX đã đầu tư xây dựng mô hình trồng cây nguyên liệu, đồng thời liên kết với hơn 30 hộ xã viên trong việc trồng cà gai leo. Với các hộ liên kết, HTX cam kết hỗ trợ mọi nguyên liệu vật tư đầu vào cũng như ký kết giá bán sản phẩm sau khi thu hoạch. Được đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm, bà con nông dân xã Bảo Hiệu và các xã lân cận đã yên tâm sản xuất trên chính mảnh đất của mình. Với năng suất bình quân 12 tấn khô/ha, nguyên liệu cà gai leo được HTX bao tiêu thu mua toàn bộ với giá ổn định 35.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ha cà gai leo đạt doanh thu trên 400 triệu đồng.

Kinh tế tập thể góp phần giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều -0
Nguyên liệu cà gai leo được HTX Nông lâm Bảo Hiệu bao tiêu thu mua toàn bộ với giá ổn định. Ảnh: ITN 

Để xây dựng thương hiệu cà gai leo phát triển bền vững, HTX đã liên kết với các đối tác cho ra sản phẩm trà túi lọc cà gai leo có giá từ 150.000 – 290.000 đ/50g – 125g, trà túi lọc 40.000 đ/hộp. Bình quân mỗi năm, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ 25.000 – 30.000 sản phẩm.

Năm 2019, sản phẩm cao cà gai leo của HTX Nông lâm nghiệp Bảo Hiệu được Hội đồng thẩm định của huyện đánh giá đạt 4 sao và là 1 trong 12 sản phẩm được UBND tỉnh Hòa Bình lựa chọn tham gia thực hiện chuẩn hóa điểm sản phẩm OCOP.

Nhờ sự hỗ trợ từ HTX Nông Lâm Bảo Hiệu, phần lớn diện tích bỏ hoang trên địa bàn đã được phủ xanh, đời sống các xã viên ngày càng được nâng cao. Kinh tế được cải thiện, đời sống tinh thần của người dân cũng tăng tiếp cận đa chiều, các kiến thức về xã hội, y tế, giáo dục cũng được người dân cập nhật từ sớm nhờ đó trình độ dân trí được cải thiện, các quyết sách của Đảng, Nhà nước đi vào đời sống nhân dân thuận lợi, hiệu quả và thiết thực hơn.

Liên kết sản xuất chặt chẽ

Tại Điện Biên, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX được tỉnh đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Nhờ đó, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, số tổ hợp tác, HTX thành lập mới phát triển khá nhanh, hoạt động ngày càng đa dạng. Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên có 411 tổ hợp tác và 310 HTX. Trong đó có HTX Hồng Phước (bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên) được vinh danh là 1 trong số 63 HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Được thành lập từ tháng 11.2004, HTX ban đầu chỉ thu mua, sản xuất miến dong nhưng đến nay, HTX đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực trồng trọt, chế biến, cung ứng phân bón, giống cây trồng, vật nuôi.

Ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên, vốn điều lệ chỉ 200 triệu đồng, đến nay đã phát triển lên 20 thành viên, vốn điều lệ tăng lên 5 tỷ đồng.  Sau gần 20 năm hoạt động, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu Miến dong Hồng Phước đạt chứng nhận OCOP với vùng nguyên liệu 50 ha, 1 cơ sở làm miến dong và 4 cơ sở sản xuất bột dong riềng. Mỗi cơ sở sản xuất bao tiêu sản phẩm cho bà con tại địa phương với sản lượng khoảng trên 3.000 tấn củ/vụ, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con. Nhờ thu nhập ổn định, bà con không còn lo thiếu ăn thiếc mặc, mỗi nóc nhà đều có điện sáng, dân bản dần xóa bỏ được những hủ tục lạc hậu.

Còn tại Thái Nguyên, HTX chè La Bằng (xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ) là một trong những mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả. Ngày đầu thành lập chỉ với 13 thành viên đến nay HTX đã mở rộng quy mô 15 thành viên và 200 hộ dân liên kết sản xuất cung cấp nguồn nguyên liệu cho HTX. Hiện, HTX chè La Bằng có tổng diện tích chè là 30ha, trong đó có 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 6ha đã được chứng nhận mã vùng trồng.

Trung bình mỗi năm HTX chè La Bằng đưa ra thị trường khoảng 60 tấn chè búp khô, mang về nguồn doanh thu 4,9 tỷ đồng trong năm 2022, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. Nhờ tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX La Bằng, những năm gần đây nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, mạnh dạn tái đầu tư mở rộng vùng trồng. Nhờ chủ động kinh tế, đời sống người dân được cải thiện, việc học tập của con em tại địa phương cũng được quan tâm hơn.

Kinh tế tập thể góp phần giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều -0
Thu hoạch chè tại HTX Chè La Bằng. Ảnh: ITN 

Nhìn chung, mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hoá luôn được các tỉnh chú trọng phát triển đồng thời gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia làm động lực thúc đẩy và có tính tương hỗ lẫn nhau. Có thể thấy, hoạt động của HTX đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi trình độ sản xuất của người dân, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Thông qua thành lập và hoạt động của HTX đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, giúp người dân giảm nghèo bền vững, tăng khả năng tiếp cận đa chiều.

Thanh Mai
#