Khuyến khích tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào đất nông nghiệp

- Thứ Tư, 06/03/2024, 19:13 - Chia sẻ

Những quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước liên quan đến đất nông nghiệp. Những quy định này đã tác động rất lớn đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Các chính sách đã khuyến khích tổ chức, cá nhân có tiềm lực có thể đầu tư vào đất nông nghiệp, làm tăng giá trị cho đất nông nghiệp.

Agribank hân hạnh đồng hành cùng tọa đàm

Khuyến khích tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào đất nông nghiệp -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương

Đây là ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương tại Tọa đàm “Đưa quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 6.3, tại Hà Nội. 

Hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Luật Đất đai quy định về chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc là tăng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên 15 lần chính là quy định tạo cho người dân thuận lợi hơn trong việc sử dụng đất nông nghiệp, hướng tới sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa nông nghiệp, tránh tình trạng sử dụng đất manh mún.

Về quy định tổ chức, cá nhân không trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp nhưng vẫn được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp khi họ có vốn, có khả năng về khoa học công nghệ, kỹ thuật. Bà Phương cho rằng, quy định mới này rất quan trọng, khuyến khích tổ chức, cá nhân có tiềm lực có thể đầu tư vào đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế của đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, bà Phương cũng nhấn mạnh, quy định tốt đến mấy nếu chúng ta sử dụng, thực hiện không tốt sẽ có những tác động ngược. Nếu quản lý, kiểm soát không tốt vấn đề này sẽ dẫn đến người dân, những người yếu thế sẽ bị mất đất. Đây là vấn đề lớn đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình quản lý và kiểm soát việc sử dụng đất nông nghiệp. Bà Phương cho rằng, cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Kinh tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong giám sát việc thực hiện những quy định của Luật Đất đai, trong đó có quy định liên quan đến đất nông nghiệp.

Sớm ban hành văn bản quy định chi tiết

Với 260 điều, có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2025, trong đó có một số điều có hiệu lực sớm hơn, từ 1.4.2024. Do vậy, khối lượng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Đất đai rất lớn.

Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai và theo đó, có 16 văn bản phải ban hành cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp bộ. Đây là một khối lượng công việc rất lớn. Hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực ngày đêm để xây dựng kịp nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào đất nông nghiệp -0
Quang cảnh Tọa đàm “Đưa quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống”, sáng 6.3

Cũng theo bà Phương, ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời là quan trọng, nhưng việc ban hành văn bản phải bảo đảm đồng bộ, phù hợp với chủ trương chính sách trong luật đã quy định. Bà Phương cũng chỉ ra thực tế, nhiều chính sách tốt ở trong luật nhưng khi văn bản hướng dẫn lại chưa đúng tinh thần của luật. Do đó, văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật ngoài việc bảo đảm kịp thời thì phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nhấn mạnh khâu tổ chức thực thi luật là vô cùng quan trọng, bà Phương cho biết, có những chính sách rất tốt, rất hay nhưng có bộ, ngành địa phương lại không làm, có thể vì còn ngần ngại, chưa biết triển khai quy định như thế nào, hoặc hiểu nhưng lại sợ trách nhiệm. Do đó muốn tổ chức thực hiện tốt thì phải bảo đảm hai yêu cầu. Một là, phải ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết một cách đầy đủ để địa phương thực hiện. Hai là, phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành luật.

Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần có kế hoạch tuyên truyền, tập huấn để cho người dân, doanh nghiệp hiểu đúng quy định của luật. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Với cơ quan Quốc hội, các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường hoạt động giám sát quá trình thực thi luật.

Nếu chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp thì việc tổ chức thực hiện Luật Đất đai mới hiệu quả, các chính sách mới tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Lê Hùng
#