Hiện thực hóa nguồn lợi từ ngành nuôi biển

- Thứ Năm, 28/03/2024, 07:31 - Chia sẻ

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, ngành nuôi biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển, mang giá trị cao; để hiện thực hóa nguồn lợi "tỷ đô" từ ngành nuôi biển, cần xây dựng cơ chế, chính sách linh hoạt để thu hút doanh nghiệp đầu tư. 

Nhiều rào cản trong thu hút đầu tư

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngành nuôi biển đối với phát triển kinh tế biển?

Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng. Nguồn:ITN

- Nuôi trồng thủy sản biển (nuôi biển) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), với công nghệ hiện nay, các quốc gia có thể nuôi biển hữu hiệu trên 0,1% diện tích vùng đặc quyền kinh tế. Chỉ riêng cá biển nuôi có thể đạt năng suất bình quân 9.900 đến 11.200 tấn/km2/vụ, có nghĩa là trung bình 100 tấn/ha/vụ.

Với cách tính đó, Việt Nam hiện có thể nuôi cá biển trên diện tích 1.000km2, đạt sản lượng 10 triệu tấn cá/vụ nuôi. Cá biển nuôi có giá thấp nhất khoảng 4,5 - 5,0 USD/kg, nghĩa là cao gấp 4 - 5 lần cá tra. 1 triệu tấn cá nuôi biển, nếu chỉ xuất khẩu thô đã có thể thu về 4,5 - 5 tỷ USD, nếu chế biến sâu sẽ dễ dàng đạt 8 - 10 tỷ USD. Đó là chưa kể hàng chục triệu tấn các loài sinh vật có giá trị cao khác như giáp xác, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, rong biển,...

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành một số chính sách khuyến khích, thúc đẩy nuôi biển như hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ… Tuy nhiên, đến nay, ngành nuôi biển vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

- Cụ thể những khó khăn, vướng mắc đó là gì, thưa ông?

- Cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển nhưng phần lớn hoạt động nuôi biển manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, công nghệ lạc hậu và không bền vững. Trong nước chỉ có vài cơ sở nuôi biển xa bờ.

Hiện nay, ngành nuôi biển vẫn thiếu quy hoạch. Theo Luật Thủy sản năm 2017, các dự án nuôi trồng thủy sản phải nằm trong vùng được quy hoạch. Luật Quy hoạch lại yêu cầu phải điều chỉnh và tích hợp các quy hoạch đã được phê duyệt trước đó vào hệ thống quy hoạch mới, trong khi đa số các quy hoạch có liên quan đến phát triển nuôi thủy sản đều chưa được xây dựng và phê duyệt. Bên cạnh đó, Quy hoạch không gian biển quốc gia vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, Quy hoạch cấp tỉnh của nhiều địa phương chưa được phê duyệt. 

Không có quy hoạch dẫn đến không giao được các khu vực biển cụ thể cho dân nuôi. Đến nay, chưa có địa phương nào giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý khiến doanh nghiệp khó đầu tư vào lĩnh vực này do vấn đề liên quan đến giấy phép và pháp lý.

Mặt khác, thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển cũng gây ra tình trạng không có đơn vị nào đăng ký cho trại nuôi biển. Việc chưa có thủ tục đăng kiểm cho cơ sở và phương tiện nuôi biển; chưa có bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển do các công ty bảo hiểm không chấp nhận rủi ro khi chưa có được các cơ sở pháp chế kỹ thuật để thực hiện khiến các doanh nghiệp không tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.

Ngoài ra, từ trước đến nay chưa có chương trình đào tạo nhân lực trong nước cho ngành công nghiệp nuôi biển, cả ở trình độ công nhân, trung cấp, cao đẳng, lẫn đại học... Đó là chưa nói đến tình trạng đáng lo ngại hiện nay là văn bản quản lý còn chồng chéo, mâu thuẫn nên việc thực thi còn nhiều điểm nghẽn.

Ưu tiên giao biển dài hạn cho các pháp nhân

- Để khai thác hết tiềm năng, mang lại nguồn lợi "tỷ đô", theo ông, cần xây dựng cơ chế, chính sách như thế nào?

- Nuôi biển còn nhiều dư địa để phát triển, do đó rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cùng những chính sách linh hoạt và hiệu quả.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương hoàn thành Quy hoạch không gian biển quốc gia trình Chính phủ thẩm định và Quốc hội thông qua trong năm nay. Các địa phương cũng cần chủ động trong việc tích hợp quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã có vào quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng phê duyệt sớm.

Cần chính sách minh bạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi biển. Nguồn:ITN
Cần chính sách minh bạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi biển. Nguồn: ITN

Nhà nước giao quyền sử dụng vùng biển dài hạn (30 - 50 năm), ưu tiên giao biển cho các pháp nhân (doanh nghiệp, hợp tác xã) chứ không nên giao lâu dài cho cá nhân để tránh phát triển tự phát. Đặc biệt, cần giao biển cho các doanh nghiệp tiên phong thành lập các cụm công nghiệp trên biển, thiết lập hạ tầng đầy đủ cho ngư dân thuê lâu dài nuôi biển.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố có biển cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về nuôi biển. Đồng thời, chỉ định các cơ quan cấp đăng ký và làm thủ tục đăng kiểm cho các cơ sở và phương tiện nuôi biển.

Ngoài ra, cần có bảo hiểm tai nạn cho người, cho đầu tư phương tiện nuôi biển. Có bảo hiểm thì ngân hàng mới vào cuộc, doanh nghiệp và dân mới có thể vay vốn lưu động để phát triển sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng cần sớm xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển bền vững nuôi biển.

Thị trường thế giới đang thiếu nguồn cung hải sản hàng chục triệu tấn mỗi năm, muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị những nhóm sản phẩm nuôi biển chiến lược là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành. Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ đào tạo nhân lực, cần sự vào cuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trường nghề.

Chính phủ cần xây dựng cơ chế phối hợp quản lý liên ngành kinh tế biển; nuôi biển công nghiệp cần được tích hợp với du lịch, dầu khí, điện gió biển, vận tải biển, môi trường và an ninh quốc phòng mới thể phát huy được sức mạnh.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung
#