Góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý quản lý tài sản ảo

- Thứ Tư, 24/04/2024, 19:15 - Chia sẻ

Ngày 24.4, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý quản lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP). 

Theo Hội đồng Đại Tây Dương, tính tới tháng 12.2023, có 32/60 quốc gia đã chính thức hợp pháp tài sản mã hóa. Đặc biệt, 10 quốc gia trong nhóm G20 (chiếm 50% GDP toàn cầu) đều đã chính thức ban hành quy định quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo.

Tại Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại đã có 18 văn bản liên quan đến tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo được ban hành.

Góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý quản lý tài sản ảo -0
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo

Trong đó, Quyết định số 194/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các vấn đề trọng tâm liên quan đến quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo được quy định tại hành động 6 - cụ thể là yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý để cấm hoặc quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo trước tháng 5.2025) và hành động 7, hành động 8 - yêu cầu phổ biến chính sách ở khu vực tư nhân. 

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) Phan Đức Trung cho biết, việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo phù hợp tại thời điểm này là một bài toán khó vì các chính sách này sẽ cần sự phối hợp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực. 

Hiện tại Kế hoạch hành động quốc gia ban hành theo Quyết định số 194/QĐ-TTg đang tập trung vào hai ưu tiên là chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố và tiêu chuẩn nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo. Trong khi đó, 2 tiêu chuẩn còn lại để tạo thành một hành lang pháp lý hoàn chỉnh là thuế tài sản mã hóa và bảo vệ người dùng hiện chưa được quan tâm thích đáng. 

Theo Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế Đỗ Việt Cường, những quốc gia nhỏ, nằm trong danh sách xám có những nhận diện chưa đầy đủ kịp thời về tài sản ảo nên chưa bắt kịp xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với quốc tế. Ngược lại, những quốc gia phát triển, có trình độ trong quản lý nhà nước tốt đã chủ động, nghiên cứu khá đầy đủ nhanh chóng kịp thời, điều chỉnh mối quan hệ xã hội mới, mối quan hệ tài sản mới có thể nói là không thể ngăn cản được.

Việc nằm trong danh sách xám sẽ ảnh hưởng rất nhiều các vấn đề tài chính tiền tệ, gây khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác kinh tế quốc tế. Chi phí giao dịch cũng sẽ tăng cao do các tổ chức tài chính quốc tế tăng cường giám sát và kiểm tra các giao dịch của Việt Nam. Việc tiếp cận nguồn vốn cũng sẽ khó khăn hơn do các tổ chức tài chính quốc tế hạn chế cho vay hoặc đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mỗi quốc gia nằm trong danh sách xám có nguy cơ thiệt hại khoảng 7,6% GDP.

Ông Cường cũng nhấn mạnh cần có thêm những hội thảo nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo.

Luật sư Trần Quốc Bảo, Luật sư điều hành hãng luật Pantheon cho biết, chỉ còn một năm để chuẩn bị cho sự ra đời của Khung pháp lý quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo. Ông kỳ vọng Chính phủ sẽ có những quy định phù hợp thông lệ quốc tế, quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo chặt chẽ nhằm tối ưu nguồn thu thuế, bảo vệ người dùng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Nếu cấm tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, chúng ta có thể bỏ lỡ một thế hệ nhà đầu tư mới đang rất quan tâm tới Việt Nam - nơi có 20% dân số sở hữu tài sản mã hóa.

Vũ Quang
#