Doanh thu “khủng” nhưng lợi nhuận “èo uột”, hé lộ về nhóm cổ đông đứng sau VNPay

- Thứ Ba, 12/03/2024, 09:29 - Chia sẻ

Chủ tịch VNPay – ông Trần Trí Mạnh còn nắm giữ vị trí chủ chốt tại Công ty cổ phần Tập đoàn Cuộc Sống Việt (VNLife). VNLife cũng là công ty holding (một công ty làm chủ cổ phần của các công ty khác) được lập ra với mục đích ban đầu là để sở hữu toàn bộ cổ phần VNPay.

Lợi nhuận “èo uột”, nợ phải trả tăng mạnh

Thời gian gần đây, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến đã tạo điều kiện cho các ứng dụng ví điện tử phát triển mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, với giá trị đạt hơn 200 triệu tỷ đồng, so với năm 2022 tăng gần 50% về số lượng.
Hết năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên thị trường.
Một trong số các ứng dụng trung gian thanh toán có doanh thu “khủng” nhất phải kể đến VNPay của CTCP Giải pháp Thanh toán Việt Nam.
Được thành lập năm 2007, 2 năm sau, VNPay năm 2009 trở thành một trong những công ty đầu tiên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ thanh toán Ví điện tử theo Quyết định số 675/QĐ-NHNN. Đến tháng 10.2015, VNPay chính thức được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Doanh thu “khủng” nhưng lợi nhuận “èo uột”, hé lộ về nhóm cổ đông đứng sau VNPay -0

Kể từ khi được cấp phép, sau hơn 8 năm, VNPay đã và đang phát triển một hệ sinh thái thông qua “bắt tay” với hơn 40 ngân hàng liên kết, 250.000 doanh nghiệp hợp tác ở các lĩnh vực hàng không, taxi, tàu, xe chuyến, doanh nghiệp bán lẻ, bóng đá, khu vui chơi, mở rộng và đưa sản phẩm dịch vụ đối tác lên kênh số mobile banking, ví điện tử... Từ đó phát triển các dịch vụ như: Apple Pay, ví VNPay, Taxi, Mobile Banking, VnShop, đặt vé xem phim…Thậm chí mới đây, VNPay còn "phủ sóng" đến các khu du lịch tâm linh, chùa, điểm trông giữ xe...
Việc liên tục mở rộng phạm vi hoạt động giúp VNPay mang về nguồn thu khổng lồ. Cụ thể, dữ liệu tài chính thể hiện, doanh thu thuần VNPay năm 2022 đạt 29.937 tỷ đồng (tương đương hơn 1,2 tỷ USD tính theo tỷ giá hiện tại), tăng trưởng gần 35% so với cùng kỳ năm trước, và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2019-2022 đạt hơn 34,5%/năm. Đáng chú ý, đây cũng là mức doanh thu cao nhất mà VNPay đạt được trong 4 năm kể từ 2019.
Đáng chú ý, dù thu “khủng” nhưng VNPay báo lãi vô cùng “èo uột”. Đơn cử như năm 2022 vừa qua, doanh nghiệp chỉ lãi ròng vỏn vẹn 19,5 tỷ đồng, thấp nhất trong giai đoạn 2019 – 2022. ROA và ROE công ty theo đó lần lượt chỉ là 0,4% và 0,6%, con số rất thấp so với các năm trước.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản VNPay tại ngày 31.12.2022 đạt gần 4.992 tỷ đồng, tăng 56% so với số đầu kỳ. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đạt 2.994 tỷ đồng, tăng 63%; nợ phải trả gần 1.998 tỷ đồng, tăng 46,3%.

Lộ diện nhóm cổ đông và mối liên hệ mật thiết giữa với Garena Việt Nam, Airpay

Dữ liệu doanh nghiệp cho biết, VNPay do 3 cổ đông sáng lập là Chủ tịch hội đồng quản trị Trần Trí Mạnh (sinh năm 1975), ông Trần Văn Kỳ và ông Lê Tánh (sinh năm 1976) hiện giữ chức Tổng giám đốc với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 28,15%; 21,67% và 5%. Các pháp nhân sở hữu phần vốn còn lại không được công bố.

Doanh thu “khủng” nhưng lợi nhuận “èo uột”, hé lộ về nhóm cổ đông đứng sau VNPay -0
Trụ sở VNPay tại Hà Nội. (nguồn: VNPay)

Mở rộng về hoạt động kinh doanh được biết, Chủ tịch VNPay – ông Trần Trí Mạnh còn nắm giữ vị trí chủ chốt tại Công ty cổ phần Tập đoàn Cuộc Sống Việt (VNLife). VNLife cũng là công ty holding (một công ty làm chủ cổ phần của các công ty khác) được lập ra với mục đích ban đầu là để sở hữu toàn bộ cổ phần VNPay. Cách làm này cũng tương tự như việc Alphabet Inc. được lập ra để sở hữu Google.
VNLife được thành lập vào cuối năm 2018, với vốn điều lệ ban đầu gần 150 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông sáng lập mà đa số là “quen mặt” gồm: ông Trần Trí Mạnh (nắm 28,146% ), ông Lê Tánh (4,991%), ông Trần Văn Kỳ (21,674%) và ông Mai Thanh Bình (45,189%).
Đến hiện tại, VNLife nâng vốn điều lệ lên hơn 251 tỷ đồng, trong đó có 6 cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài gồm: SVF Pioneer Subco; Ardolis Investment Pte.ltd – một quỹ đầu tư thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore; Paypal Pte.ltd; Vantage Df Holdings,Lp; General Atlantic Singapore Vnl Pte.ltd và Edb investments pte.ltd.
Trong số các cổ đông sáng lập của VNlife ngoài ba cái tên “quen thuộc”, thì việc xuất hiện cái tên Mai Thanh Bình càng khiến giới đầu tư nhận ra mối quan hệ mật thiết với một loạt công ty trong lĩnh vực công nghệ nổi tiếng có quan hệ với Sea Limited như: Công ty cổ phần Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (nay đổi thành Công ty cổ phần AirPay) hay Công ty cổ phần Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam (thường gọi là Garena Việt Nam). Bởi lẽ, ông Mai Thanh Bình Chính là cổ đông sáng lập của Garena Việt Nam và Airpay.
Điều đáng nói là cũng tương tự như tình trạng của VNPay, Garena Việt Nam trong nhiều năm qua cũng có doanh thu khủng nhưng khoản lợi nhuận trên báo cáo luôn “siêu thấp” không tương xứng với một công ty game đang đứng trong top đầu của thị trường game Việt Nam.

Tú Anh
#