Doanh nghiệp xuất khẩu quế gặp khó

- Chủ Nhật, 07/04/2024, 07:33 - Chia sẻ

Doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu để làm thực phẩm và đồ uống nhưng lại phải tuân thủ các quy định xuất khẩu dược liệu nên phát sinh nhiều chi phí, đòi hỏi thêm các giấy phép kinh doanh có điều kiện. Khó khăn này cùng với việc giá tinh dầu quế giảm mạnh khiến các doanh nghiệp tồn kho hàng trăm tấn tinh dầu.

Tồn kho có thể lên tới 400 - 500 tấn

Huyện Văn Yên là địa bàn trồng quế lớn nhất tỉnh Yên Bái với hơn 52.000ha trong tổng số khoảng 86.000ha của toàn tỉnh. Chủ tịch danh dự Hội Doanh nghiệp Văn Yên Lưu Trung Kiên cho biết, mỗi năm, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn xuất khẩu trên 300 tấn tinh dầu quế và 1.500 - 2.000 tấn quế vỏ. Cây quế là một trong những sản phẩm chủ lực xuất khẩu của địa phương, tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn người dân.

Tuy vậy, 12 doanh nghiệp sản xuất tinh dầu quế đang bị tồn kho, “ít thì vài tấn, nhiều thì lên tới cả chục tấn”, ông Kiên thông tin. Nguyên nhân một phần do giá tinh dầu đã giảm gần một nửa so với năm ngoái, từ mức 550.000 - 600.000 đồng/kg hiện chỉ còn 300.000 - 400.000 đồng/kg, đơn hàng xuất cũng chậm. Một phần khác bởi khó khăn do quy định xuất khẩu mặt hàng này liên quan đến thực hiện Thông tư số 48/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (Thông tư số 48).

Trong văn bản kiến nghị vừa gửi Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPA) xác nhận, đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế tại hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái.

Cụ thể, sản phẩm tinh dầu quế xuất khẩu hiện nay chủ yếu làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, không sử dụng làm thuốc. Thực tế, công nghệ chế biến của các doanh nghiệp trong ngành cũng chưa đủ năng lực sản xuất tinh dầu để làm thuốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại đang phải thực hiện theo quy định về kinh doanh dược liệu, làm phát sinh nhiều chi phí, đòi hỏi thêm các giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Phân tích rõ hơn, Chủ tịch VPA Hoàng Thị Liên cho biết, theo Thông tư số 48, cành quế chi thuộc Phụ lục 1 danh mục mã số hàng hóa đối với dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu; tinh dầu quế thuộc Phụ lục 2 danh mục mã số hàng hóa đối với các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc xuất khẩu, nhập khẩu. Như vậy, việc xuất khẩu cành quế và tinh dầu quế được áp dụng quy định đối với mặt hàng xuất khẩu để làm thuốc, trong khi thực tế chủ yếu xuất khẩu để làm thực phẩm, đồ uống.

Ngày 4.3.2021, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BYT về việc bãi bỏ một phần quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48, trong đó bãi bỏ một số danh mục hàng hóa như quế chi (cành), quế vỏ. Tuy nhiên, tinh dầu quế làm từ cành quế chi vẫn trong Phụ lục 2 của Thông tư số 48, tức vẫn phải áp theo quy định về xuất khẩu làm dược liệu, bà Liên thông tin.

Những quy định trên đã khiến doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế gặp nhiều khó khăn. Tại vùng nguyên liệu hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn. Ước tính, hết vụ quế mùa xuân tháng 3 - 4.2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn tinh dầu, giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn, VPA nêu.

Doanh nghiệp mong được tự kê khai

Chủ tịch VPA Hoàng Thị Liên xác nhận, khó khăn của xuất khẩu tinh dầu quế không phải bây giờ mới xuất hiện. Trước đây, các doanh nhiệp cũng đã phản ánh song là ý kiến đơn lẻ, nhất là khi đó hiệp hội chưa có chính danh để tổng hợp kiến nghị vì là Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam. Từ tháng 11.2023, Bộ Nội vụ đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, khi đó mới chính danh để mở rộng thêm chức năng hỗ trợ, tổng hợp kiến nghị cho doanh nghiệp ở các loại cây gia vị khác như quế, hồi, gừng, ớt... Mới nhất, tháng 2 vừa qua, hiệp hội đã gửi kiến nghị lên Bộ Y tế tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu tinh dầu quế song hiện vẫn chưa có phản hồi.

Điều khiến bà Liên lo ngại là khó khăn có thể sẽ không chỉ dừng lại với xuất khẩu tinh dầu quế. Bởi lẽ, theo sự phát triển của công nghệ và thị trường, tới đây sẽ còn có thêm những sản phẩm tinh dầu khác như tinh dầu nghệ, tinh dầu tỏi, tinh dầu hồi… hiện đang được xếp vào “tinh dầu khác” thuộc Phụ lục 2 của Thông tư số 48. Nếu không có quy định rõ ràng, rất có thể khi xuất khẩu các sản phẩm này làm thực phẩm, đồ uống - tức sản phẩm thông thường, nhưng lại áp quy định xuất khẩu làm thuốc, đồng nghĩa chi phí, thủ tục sẽ gia tăng.

Cũng theo Chủ tịch VPA, nhóm mặt hàng tinh dầu nói chung là nhóm hàng lưỡng dụng, hiện được sử dụng cho nhu cầu thực phẩm rất lớn. Trên thế giới hiện có hơn 80% cây gia vị dùng cho mục đích làm thực phẩm, chỉ 20% đi vào dòng cao cấp hơn là mỹ phẩm, dược phẩm hoặc các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhưng công nghệ của Việt Nam hầu như chưa đạt đến trình độ này nên hầu hết tinh dầu xuất khẩu với mục đích làm thực phẩm.

Để tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu nói chung, tinh dầu quế nói riêng, VPA kiến nghị Bộ Y tế cần tiếp tục rà soát Thông tư số 48, xác định tinh dầu quế là nhóm thực phẩm hàng hóa xuất khẩu thông thường, mục đích sử dụng không phải làm nguyên liệu thuốc hay dược liệu. Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu để làm thực phẩm, đồ uống thì cần cho phép doanh nghiệp tự kê khai và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; thủ tục xuất khẩu vì thế cần thuận lợi hơn.

Nhắc lại chuyện tháng 7 năm ngoái, VPA gửi kiến nghị lên Bộ Y tế đề nghị tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu hồ tiêu do quy định chưa rõ ràng tại Thông tư số 48 nên trong nhiều trường hợp cơ quan hải quan chuyển từ luồng xanh sang luồng vàng, chỉ chừng một tháng sau, Bộ có công văn khẳng định xuất khẩu hồ tiêu không phải để làm thuốc nên mặt hàng này đã hoàn toàn được đi luồng xanh, Chủ tịch VPA mong muốn với mặt hàng tinh dầu quế, “Bộ Y tế cũng nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp”.

Đan Thanh
#