Định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu

- Thứ Tư, 28/02/2024, 07:49 - Chia sẻ

Tại Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 vào ngày 27.2, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Phạm Văn Công cho rằng, trước thực trạng giá thành phẩm cao hơn giá bán khiến doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam và các nước thua lỗ thì việc định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu là cần thiết.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Việt Nam chiếm 80% sản lượng điều toàn cầu

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều tháng 1.2024 đạt 65.142 tấn, tương đương 351,2 triệu USD, tăng nhẹ 3,3% về lượng và tăng 2,3% về kim ngạch so với tháng trước đó. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hạt điều tăng đột biến tới 139,4% về lượng và tăng 126% về kim ngạch. 

Các chuyên gia nhận định, nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại nhiều thị trường đã có sự cải thiện kể từ cuối năm 2023, mở ra triển vọng sáng hơn cho xuất khẩu điều của Việt Nam trong năm 2024. Do đó, ngành điều còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu. Giá hạt điều hiện ở mức thấp sẽ giúp thúc đẩy hoạt động tiêu thụ mặt hàng có lợi cho sức khỏe này, trong khi năng suất và sản lượng thu hoạch khá ổn định.

Hiệp hội Điều Việt Nam dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022 - 2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao; trong đó có hạt điều. Tại Việt Nam, theo dự báo, vụ mùa 2023 - 2024 này, dù thời tiết bất lợi, nhiều sâu bệnh, tuy nhiên sản lượng điều vẫn duy trì khoảng 170.000 tấn nhân điều. Hiện Việt Nam giữ vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu trong 16 năm liên tiếp.

Tuy nhiên, đằng sau con số khả quan ngành điều lại hình thành mối nguy cơ lớn đối với ngành điều Việt Nam và cũng là nguy cơ đối với ngành điều toàn cầu. Tranh mua, tranh bán điều thô làm ảnh hưởng ngành điều trong nước. Cụ thể, giá nhân điều giảm sâu, trong khi giá điều thô rất cao ở đầu vụ, cuối vụ giảm nhưng vẫn chưa thể cân đối với giá bán khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ.

Khó lường hết hậu quả khi trung tâm chuỗi cung ứng “trục trặc”

Theo Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) Phạm Văn Công, sự tăng trưởng “nóng” về diện tích và sản lượng điều thô ở một số nước châu Phi và Campuchia chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi công nghiệp chế biến ở các nước này còn khiêm tốn. Một số nước có sản lượng lớn nhưng lại đang áp dụng chính sách bảo hộ sâu với điều thô. Đơn cử, như quy định mức giá bán tối thiểu; quy định thu thuế xuất khẩu và nhiều loại phí... dẫn đến giá điều thô cao. Các nhà chế biến, kinh doanh lại cạnh tranh "khốc liệt" làm sức mua giảm, giá bán giảm theo.

Bài học từ cây công nghiệp khác cho thấy, tăng trưởng nóng dẫn đến sự mất cân đối cung cầu, khi xuất hiện thêm những bất ổn thì sự chênh vênh trong toàn chuỗi cung ứng càng rõ nét. Khó lường hết hậu quả khi trung tâm của chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu ở Việt Nam bị "trục trặc". Nếu xảy ra tình trạng đóng cửa hàng loạt nhà máy chế biến, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu sẽ bị đứt gãy dẫn tới điều nhân trên thị trường bị thiếu hụt và điều thô sẽ dư thừa. Như vậy, sẽ gây ra thiệt hại chung cho toàn chuỗi cung ứng hạt điều và dẫn tới nhiều hệ lụy, mà nguy cơ lớn nhất là nông dân ở nhiều quốc gia sẽ bỏ bê cây điều do không tiêu thụ được điều thô. Nếu nông dân thờ ơ với cây điều, sẽ ảnh hưởng rất lớn về lâu dài tới chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu.

Do đó, ông Phạm Văn Công cho rằng, việc chủ động định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu, với sự tham gia của doanh nghiệp nội địa và nhiều quốc gia sản xuất điều là cần thiết để tìm tiếng nói chung, liên kết với nhau giải quyết những bất ổn, duy trì sự phát triển ổn định, bền vững. Tại sao nguyên liệu tăng nhưng giá điều nhân bán ra lại thấp, đây là câu hỏi rất nhức nhối. Việt Nam đang chi phối thị trường điều quốc tế, nhưng lại không làm chủ được thị trường nên phải phân tích chuỗi sản phẩm này xem khúc mắc ở đâu. VINACAS cho rằng, một phần do doanh nghiệp ngành điều nước ta tự đội giá nguyên liệu, cạnh tranh mua bán.

Bên cạnh việc kết nối giao thương, cung cấp thông tin, tăng cường các mối quan hệ song phương giữa các tổ chức quốc tế liên quan đến ngành điều và hiệp hội điều các nước, các ý kiến tại hội nghị cho rằng Việt Nam cần có những giải pháp, sáng kiến nhằm định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu, trong đó có sự điều chỉnh thích hợp chuỗi giá cả điều toàn cầu. Từ đó giúp ngành điều Việt Nam và thế giới phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Vũ Quang
#