“Chiếc áo Nghị quyết số 119 đã chật”
Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Mục tiêu nhằm xây dựng bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, góp phần tích cực vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 119, theo UBND thành phố Đà Nẵng, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát được triển khai nghiêm túc, kịp thời có biện pháp xử lý khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan đến quản lý tài chính ngân sách. Công tác bố trí, sắp xếp cán bộ khi triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị bảo đảm đúng tiến độ, tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, thủ tục hành chính được cắt giảm. Tổ chức điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn bảo đảm ổn định, thông suốt; các khoản thu của quận, phường được chuyển về ngân sách thành phố quản lý đã tạo được nguồn lực lớn cho ngân sách thành phố chủ động cân đối triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 119 còn chậm so với kế hoạch. Một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn. Trong 3 năm triển khai thực hiện thí điểm, thành phố đối diện với nhiều thách thức mới ngày càng gia tăng.
Cụ thể, về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, khi thực hiện chuyển ngân sách quận, phường từ một cấp ngân sách thành đơn vị dự toán thì việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước chưa có quy định nên thực hiện còn lúng túng.
Về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, đến hiện tại, Trung ương vẫn chưa xây dựng, ban hành và áp dụng chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Do đó, chưa đủ cơ sở để dự kiến nhu cầu sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, dẫn đến chưa thể đề xuất HĐND thành phố sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư phát triển theo chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 119…
Từ thực tế đó, chính quyền Đà Nẵng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 là cần thiết, để thành phố thực sự phát huy lợi thế, vai trò quan trọng là trung tâm trong sự phát triển vùng. Nói như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, hiện Đà Nẵng có nhiều điều kiện để làm trung tâm, nhưng lại thiếu các chính sách đột phá để thực sự phát huy vai trò này. Mặt khác, theo ông Quảng, chỉ còn 18 - 24 tháng nữa để đón nhận sự dịch chuyển dòng đầu tư, chuỗi cung ứng, nếu bây giờ không có chính sách đặc thù để mạnh dạn đón nhận thì sẽ mất đi cơ hội. Cơ chế đặc thù đó phải được thể hiện ở địa phương cụ thể, và Đà Nẵng đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Đại Hải cũng cho rằng, trong bối cảnh mới hiện nay, “chiếc áo Nghị quyết số 119 đã quá chật” nên cần phải sửa đổi, bổ sung để thành phố Đà Nẵng thực sự đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, lan tỏa cho cả vùng.
Việc sửa đổi Nghị quyết số 119 cũng là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội tại Thông báo số 3060/TB-VPQH ngày 23.11.2023 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29.11.2023 của Quốc hội. Như vậy, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đều đã rõ.
Có nên tách làm hai phân khu?
Trong Đề án sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất 27 chính sách, trong đó có 6 chính sách mới. Đáng chú ý, thành phố đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do gắn với Cảng Liên Chiểu và Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng. Đây sẽ là khu chức năng thực hiện các hoạt động chế xuất, logistics, thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế; là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi áp dụng với khu kinh tế và một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển đột phá kể từ khi Khu thương mại tự do được thành lập. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng sẽ quyết định chủ trương đầu tư và thành lập Khu thương mại tự do; Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và chính sách của Khu thương mại tự do theo nguyên tắc đơn giản, thuận tiện, bảo đảm cạnh tranh.
Dự kiến, Khu thương mại tự do sẽ có diện tích 590ha, thuộc tiểu khu 49N, xã Hòa Nhơn và tiểu khu NTK 12, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Trong đó, phân khu thương mại dịch vụ có quy mô trên 150ha; phân khu sản xuất - logistics khoảng 440ha, là khu đất dự trữ phát triển.
Tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng ủng hộ cách tiếp cận của Đà Nẵng với đề xuất thành lập Khu thương mại tự do. Ở các nước, khu này sẽ gắn với các khu logistics và Đà Nẵng có đủ điều kiện phù hợp để phát triển khi gắn với Cảng Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng. Muốn thành lập, cần nghiên cứu kinh nghiệm các nước để có những chính sách đặc thù rõ rệt, trong đó có vấn đề về visa, lao động…
Chia sẻ với ý kiến trên, đại diện Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tán thành với việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Điều còn băn khoăn là hiện Khu thương mại tự do đang được đề xuất ở hai vị trí cách nhau khoảng 20km sẽ khó khả thi, thay vào đó nên làm ở một vị trí và gắn với cảng Liên Chiểu để bảo đảm tính liền dải, liền mạch.
Mặt khác, Luật Đất đai 2024 vừa được Quốc hội thông qua không có khái niệm thu hồi đất để thành lập khu thương mại tự do. Do vậy, nếu đề xuất này được thông qua, cần làm rõ vấn đề thu hồi đất.
Ủng hộ đề xuất xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, hiện chưa có quy định cụ thể trong luật nên cần đưa ra định nghĩa rõ hơn cũng như gắn với các khu chức năng thế nào; giao Chính phủ quy định trình tự thủ tục thành lập thì cơ quan nào sẽ thẩm định.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các khu thương mại tự do cơ bản liền kề cảng biển, sân bay. Tốt nhất trong đề án nên có địa điểm liền kề, do đó Đà Nẵng cần nghiên cứu thêm vấn đề này, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị.