CropLife hợp tác với Việt Nam triển khai Chương trình khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững

- Thứ Tư, 12/07/2023, 11:56 - Chia sẻ

Chiều 11.7, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội CropLife châu Á ký bản ghi nhớ hợp tác triển khai Chương trình khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững giai đoạn 2023 - 2028.

Chương trình khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững giai đoạn 2023 - 2028 (SPMF) được Croplife hợp tác triển khai với 9 quốc gia, trong đó có Việt Nam, với kinh phí khoảng 1,5 triệu USD nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và tối ưu hóa các giải pháp bảo vệ thực vật.

CropLife hợp tác với Việt Nam giảm phụ thuộc thuốc bảo vệ thực vật độc hại -0
Lễ ký kết hợp tác diễn ra chiều 11.7.

Tại lễ ký kết hợp tác, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đánh giá cao vai trò và đóng góp trong hơn 10 năm qua của Hiệp hội CropLife Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV). Việc tăng cường hợp tác, hướng dẫn người dân Việt Nam sử dụng hiệu quả các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng của CropLife phù hợp với các mục tiêu, định hướng của Bộ hướng tới hệ thống thực phẩm an toàn, minh bạch và bền vững ở Việt Nam.

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị CropLife hỗ trợ nông dân Việt Nam các vấn đề cấp bách khác như bộ giống cây trồng có năng suất chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các giống lúa, ngô; đổi mới sáng tạo, công nghệ, gen, hay lĩnh vực công nghệ sinh học...

Khẳng định "hợp tác công - tư thời gian qua đã giúp hai bên trưởng thành hơn rất nhiều", ông Tan Siang Hee, Giám đốc điều hành CropLife châu Á, cam kết tiếp tục giúp nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường toàn cầu, đảm bảo sản xuất bền vững theo chuẩn quốc tế.

"Chúng ta cần tiếp tục cộng tác để giúp người nông dân cạnh tranh với thế giới, không chỉ phát triển kinh tế mà còn củng cố niềm tin từ cộng đồng trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững" , ông Tan Siang Hee chia sẻ.

Ông Alexander Berkovskiy, Chủ tịch Hiệp hội CropLife châu Á, nhấn mạnh, Hiệp hội luôn chú trọng vai trò của người nông dân - những "anh hùng nông nghiệp", là động lực chính giúp các mục tiêu về đảm bảo an ninh lương thực và bền vững trở thành hiện thực.

"Trách nhiệm của chúng ta là trang bị cho nông dân đủ công cụ cần thiết với những giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến nhất để họ thực hiện vai trò của mình" - ông Alexander Berkovskiy nói.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí trước đó, bà Delisa Jiang, Giám đốc Chương trình quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững của Croplife quốc tế, cho biết, SPMF được xây dựng trên 3 trụ cột cơ bản. 

Một là giảm phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao theo Bộ Quy tắc ứng xử của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) và chuyển đổi bền vững.

Hai là tăng cường đổi mới: Xây dựng môi trường pháp lý phù hợp để tăng khả năng tiếp cận của nông dân với các công cụ, phương pháp và công nghệ hiện đại trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ba là sử dụng có trách nhiệm: Tăng cường tập huấn, cập nhật phương pháp thực hành tốt nhất trong quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân; khuyến khích chuỗi cung ứng sử dụng và quản lý thuốc bảo vệ thực vật theo vòng đời một cách có trách nhiệm.

"Chương trình được triển khai trong 5 năm tại 9 quốc gia nhằm thực hiện các nguyên tắc trong Bộ quy tắc ứng xử quốc tế về quản lý thuốc bảo vệ thực vật của FAO", bà Delisa Jiang cho biết.

CropLife hợp tác với Việt Nam giảm phụ thuộc thuốc bảo vệ thực vật độc hại -0
Lãnh đạo Croplife chia sẻ với báo chí về Chương trình SPMF chiều 10.7.

Đề cập đến thực tế dân số Việt Nam và thế giới ngày càng tăng, đồng thời, biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức lớn với nông dân và ngành nông nghiệp, ông Brian Naber, Giám đốc thương mại Công ty Bayer khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch Croplife châu Á, "hy vọng Chương trình SPMF sẽ hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình tiếp cận với đổi mới sáng tạo của nông dân để ứng phó với các thách thức này". 

Chẳng hạn như sử dụng thuốc bảo vệ thực với các hóa chất có nguy cơ thấp hơn, sử dụng các giống cây trồng mang tính trạng cải tiến, ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) vào việc phun thuốc bảo vệ thực vật để tăng tính chính xác, bảo vệ sức khỏe....

Bà Simone Barg, Phó Chủ tịch Kinh doanh cấp cao ngành giải pháp nông nghiệp Công ty BASF khu vực châu Á Thái Bình Dương, Thư ký Ban điều hành Croplife châu Á, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm. 

Bà cho biết, thời gian qua, Croplife đã phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật  hiện chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm. Chương trình đã tập huấn cho hơn 1.100 nông dân, hơn 50 cán bộ kỹ thuật và gần 500 đại lý thuốc bảo vệ thực vật về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. 1.600 nông dân thu gom được 16 triệu tấn rác thải bảo vệ thực vật về nơi tập kết.

"Trong khuôn khổ SPMF, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường trụ cột sử dụng có trách nhiệm", bà Simone Barg nói.

Ông Trần Thanh Vũ - đồng Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam cho biết, chương trình SPMF llà tiếp nối sự thành công của những chương trình trước đó mà CropLife Việt Nam đã triển khai nhưng sẽ mang tính sâu rộng hơn trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật.

Thời gian tới, CropLife sẽ có những buổi làm việc cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật để trao đổi sâu về thông tin dự án. Chủ tịch Croplife Việt Nam hy vọng nhận được sự ủng hộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đi đến thỏa thuận về khung hợp tác chiến lược tiếp theo, đồng thời hoàn thiện kế hoạch để chuẩn bị triển khai Chương trình vào cuối năm nay.

H.Lan
#