Còn tình trạng lập hợp tác xã để trục lợi chính sách

- Thứ Bảy, 03/02/2024, 08:06 - Chia sẻ

Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 diễn ra ngày 2.2, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, còn hiện tượng hợp tác xã được thành lập với mục đích trục lợi chính sách của Nhà nước hoặc theo phong trào, không xuất phát từ nhu cầu của thành viên.

Dư địa phát triển kinh tế tập thể còn lớn 

Trong thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) có chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. Thông qua tổ chức KTTT, các thành viên, nông dân sản xuất đã liên kết lại với nhau nhằm phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô, tăng cường năng lực và hiệu quả sản xuất đi đôi với việc tiết giảm chi phí sản xuất, tối ưu hóa nguồn lực, kiểm soát chất lượng. Thực tế cho thấy, dư địa phát triển khu vực KTTT còn rất lớn nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Toàn cảnh diễn đàn
Toàn cảnh diễn đàn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2023, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…

Xu hướng hợp tác cũng đã được mở rộng, đi vào thực chất. Đến nay đã có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp, trong khi đó tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5 - 7%...

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân bổ sung, thống kê giai đoạn 2021 - 2023, 71,3% HTX thành lập mới có các sáng lập viên trẻ, nhiệt huyết, có kiến thức, trình độ về lĩnh vực khởi nghiệp, mạnh dạn và sáng tạo trong tiếp cận công nghệ, nguồn lực để đầu tư thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Thực tế, nhiều HTX đã trở thành điểm sáng trong hoạt động, thiết lập được mối liên kết bền vững với doanh nghiệp. Đại diện HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (Bến Tre) cho biết đã thiết lập mối liên kết bền vững với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới để xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu dừa hữu cơ. Đến nay, diện tích này đạt gần 150ha. Hoạt động sơ chế dừa đã tạo ra việc làm và tăng thu nhập cho hơn 40 thành viên, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Tại Cần Thơ, HTX Khiết Tâm có trên 340ha lúa đã ký kết hợp đồng sản xuất hàng trăm tấn lúa giống cho Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Công ty giống cây trồng Thái Bình và Tập đoàn Lộc Trời, với giá cao hơn khoảng 500 - 700 đồng/kg. HTX cũng được công nhận sản xuất lúa, gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP…

Sớm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã

Trong 20 năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong đó có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ về đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách về tín dụng; hỗ trợ chế biến sản phẩm…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Các chính sách chủ yếu tập trung hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, Liên hiệp HTX lĩnh vực nông nghiệp, chỉ một số ít HTX phi nông nghiệp được thụ hưởng. Số lượng HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít. Ngân sách Nhà nước chưa cân đối, bố trí được nguồn riêng, kinh phí hỗ trợ lồng ghép vào nhiều chương trình, nguồn lực hạn hẹp, thấp xa so với yêu cầu. 

Ngoài ra, năng lực và kinh nghiệm của bộ máy quản lý nhà nước cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn cho các HTX chưa đáp ứng yêu cầu; còn hiện tượng HTX thành lập mục đích để trục lợi chính sách của Nhà nước hoặc theo phong trào, không xuất phát từ nhu cầu của thành viên.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Hợp tác xã năm 2023 đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW, gồm phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; đất đai; thuế, phí và lệ phí; tiếp cận vốn, bảo hiểm; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp xây dựng hai Nghị định và hai Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã 2023, trong đó hướng dẫn chi tiết về nội dung chính sách và tiêu chí, thủ tục lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước đối với các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp hợp tác xã và các đối tượng liên quan; đồng thời xây dựng Chương trình tổng thể về phát triển KTTT, HTX trên phạm vi toàn quốc để áp dụng cho giai đoạn 2026 - 2030. 

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển KTTT là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, KTTT, HTX phải nhận thức rõ, tự chủ động thoát khỏi những rào cản và vướng mắc mang tính cố hữu để tự lực, tự cường; đồng thời, cần sự chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy và hành động theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ hiện đại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; phát triển cả về số lượng và chất lượng các thành viên, lực lượng lao động tham gia; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2023, đồng bộ và thống nhất về thời gian áp dụng với Luật này. Đồng thời, xây dựng các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX phải đổi mới toàn diện theo hướng bảo đảm yêu cầu đơn giản, thông thoáng và công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả và có tính kế thừa, chuyển tiếp; tránh những xáo trộn, gây khó khăn.

Vũ Quang
#