Nghị định số 32/2024/NĐ-CP

Cơ sở pháp lý quan trọng trong phát triển cụm công nghiệp

- Thứ Tư, 24/04/2024, 08:35 - Chia sẻ

Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp được ban hành ngày 15.3 và có hiệu lực từ ngày 1.5 tới là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tăng cường hiệu quả quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp. 

Phân cấp mạnh mẽ 

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 32 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 23.4, Cục Công Thương địa phương cho biết, thời gian qua, công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã có bước chuyển mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực.

Toàn cảnh hội nghị.  Ảnh: Hạnh Nhung
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hạnh Nhung

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP đã nảy sinh một số vướng mắc, khó khăn. Nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 32, về cơ bản được xây dựng trên nền tảng Nghị định 68, Nghị định 66 và chỉ sửa đổi những vấn đề bất cập.

Theo đó, Nghị định 32 tập trung giải quyết một số vấn đề quan trọng nhằm tăng cường quản lý và hiệu quả quản lý cụm công nghiệp. Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp, hợp tác xã là tổ chức đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp - như vậy bảo đảm phù hợp với Luật Đất đai (sửa đổi) và phát triển kinh tế tư nhân. Ở những vùng kinh tế - xã hội khó khăn sẽ triển khai các chính sách tài khóa để hỗ trợ. Nghị định cũng quy định ngành, nghề sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp để các địa phương áp dụng ưu tiên trong quá trình thực hiện.

Điểm rất mới của Nghị định 32 là phân cấp hoàn toàn cho địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp đến thành lập/mở rộng cụm công nghiệp, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; ban hành Quy chế, quy định theo thẩm quyền và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật về cụm công nghiệp… Điều này nhằm bảo đảm cho chính quyền địa phương có đủ công cụ, điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng quản lý nhà nước về cụm công nghiệp.

Sớm đưa Nghị định 32 vào thực tiễn

Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp. Đến nay, thành phố đã thành lập 102 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.188ha, trong đó có 43 cụm công nghiệp được thành lập trong giai đoạn 2018 - 2020 theo Nghị định 68 của Chính phủ với tổng diện tích 742ha. Nhưng, từ năm 2021 đến nay, việc thành lập mới các cụm công nghiệp gặp không ít khó khăn do vướng mắc liên quan đến các văn bản quy định bị chồng chéo, chưa được sửa đổi, tháo gỡ kịp thời.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp khẳng định, việc ban hành Nghị định 32 rất cần thiết và kịp thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; bảo đảm phát triển cụm công nghiệp bền vững, trật tự và hiệu quả.

Ngày 1.5.2024, Nghị định 32 sẽ có hiệu lực thi hành. Để triển khai thuận lợi, các bộ cần sớm có hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định theo nhiệm vụ được giao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đã được phê duyệt; Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng và ban hành thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định 32. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định, thành phố quyết tâm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thành lập mới các cụm công nghiệp ngay khi Nghị định 32 có hiệu lực.

Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, ngay sau khi Nghị định 32 được ban hành, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định 32; kế hoạch thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp; phương án xử lý cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định 105/2009/QĐ- TTg; ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp tỉnh…

Để thực hiện hiệu quả Nghị định 32, ông Tổng đề xuất trong công tác quy hoạch cụm công nghiệp cần lưu ý mỗi cụm công nghiệp có quy mô từ 50 - 75ha nhằm tận dụng lợi thế về diện tích đất đai, thu hút nhà đầu tư làm chủ đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư thứ cấp. Đối với phát triển cụm công nghiệp, cần làm rõ hiện trạng đất đai, hạn chế sử dụng đất lúa và diện tích có nhiều hộ dân sinh sống nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, cần tăng kết nối hạ tầng giao thông, hạn chế tốc độ đô thị hóa tại khu vực gần cụm công nghiệp, tránh vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp thu ý kiến các đại biểu và cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tổng hợp, đề xuất với cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành có liên quan trong thời gian tới.

Hạnh Nhung
#