Có nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng?

- Thứ Ba, 30/05/2023, 06:53 - Chia sẻ

TS. Trần Hữu Hiệp

Ngày mai, 31.5, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, bàn thảo giải pháp phát triển cho những tháng còn lại. Một trong những vấn đề đặt ra là: chúng ta có nên điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay?

Quốc hội đã từng giảm chỉ tiêu tăng trưởng

Đất nước đã trải qua hơn 1/3 đoạn đường của năm 2023 đầy thách thức. Tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, thấp hơn cùng kỳ năm trước 5,03%, thấp nhất trong 13 năm qua, ngoại trừ quý I.2020 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng và dự kiến sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới…

Lo ngại trước bức tranh kinh tế đất nước 4 tháng qua, đã có ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP đã được Quốc hội quyết nghị là 6,5% để phù hợp với tình hình thực tiễn và tạo khuôn khổ thông thoáng cho hoạt động điều hành các tháng cuối năm 2023. Xét về lý thuyết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023, đòi hỏi tăng trưởng 3 quý còn lại phải đạt bình quân 7,5% là một thách thức lớn, khó đạt được.

Ý kiến này không phải không có lý. Thực tế Quốc hội đã từng quyết nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Năm 1998, do khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước gặp khó khăn, Quốc hội điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP từ 9% xuống còn 5 - 6%. Năm 2008, kinh tế trong nước bị tác động tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Quốc hội điều chỉnh tăng trưởng GDP từ 8,5 - 9% xuống còn xuống 7%. Năm 2020, trước tác động của dịch Covid-19, chỉ tiêu tăng GDP cũng được đề nghị điều chỉnh từ 6,8% xuống 4,5 - 5,4%.

Điều gì sẽ xảy ra nếu giảm chỉ tiêu?

Nếu lần này, Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, điều gì sẽ xảy ra?

Việc điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng, là con số 0,5% của GDP liên quan tổng thể kịch bản phát triển và toàn bộ nền kinh tế, từ đầu vào đến đầu ra, chưa kể sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng cả kỳ kế hoạch 5 năm.

Phát biểu tổng kết Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 thì tăng trưởng bình quân 3 năm 2023 - 2025 phải đạt khoảng 7,3%. Đây là mức rất cao, đòi hỏi chúng ta phải có sự quyết tâm rất cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được. Trong đó, năm 2023 có ý nghĩa bản lề của kỳ kế hoạch. Việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023 có thể tạo ra sức ỳ, giảm động lực phấn đấu cao.

Từ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, người viết cho rằng, thách thức trong tăng trưởng năm 2023 là có, song không phải là không đạt được nếu có giải pháp đột phá, đồng bộ trong tổ chức thực hiện.

Muốn giữ mục tiêu cao, quyết tâm phải cao!

Động lực quan trọng từ 3 trụ cột tăng GDP là tăng đầu tư (trong đó có chi tiêu của Chính phủ), xuất khẩu và tiêu dùng cuối cùng.

Cụ thể, về đầu tư công, chúng ta có thể tập trung thực hiện quyết liệt trong những tháng còn lại của năm nay. Các khoản đầu tư tư nhân và tiêu dùng dân cư có cơ sở tăng tốc khi tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức.

Sang quý III và IV, khi tình hình được cải thiện hơn, đặc biệt là dự báo khu vực công nghiệp sẽ phục hồi và khu vực dịch vụ, trong đó có du lịch đang hứa hẹn sự phục hồi và tăng trưởng, GDP sẽ khả quan hơn. Xuất khẩu đang lóe lên các điểm sáng từ bức tranh xám màu. Xuất siêu 5 tháng đầu năm đạt 9,8 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 đã có dấu hiệu khởi sắc dần, ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 22,1% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 89,4%. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.

Muốn giữ mục tiêu phấn đấu cao thì quyết tâm phấn đấu phải cao, chấp nhận thách thức và thực hiện các giải pháp đồng bộ. Theo đó, đề nghị quan tâm các gói giải pháp sau.

Một là, tiếp tục thực hiện linh hoạt thích ứng, tăng cường liên kết hệ thống. Các địa phương, doanh nghiệp, người kinh doanh và các tác nhân có liên quan trong chuỗi hàng hóa, dịch vụ cần cụ thể hóa rõ ràng cơ chế, nội dung, chương trình liên kết, hợp tác thực chất bằng nhiều hoạt động, sản phẩm cụ thể. Phân định trách nhiệm tháo gỡ và giải quyết các vướng mắc phát sinh thường xảy ra sau thời gian dài các chuỗi hàng hóa, dịch vụ bị đứt gãy.

Hai là, thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu trong nước. Đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Ba là, tạo động lực mạnh mẽ khôi phục thị trường xuất khẩu, du lịch. Tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh đón mùa du lịch sắp tới. Tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển khu vực công nghiệp và nông nghiệp.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa các doanh nghiệp.

Có cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân… chính là cách thức để phục hồi và phát triển kinh tế!