Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024

Cơ hội lớn từ nâng tầm quan hệ hợp tác với các nước

- Thứ Hai, 01/01/2024, 12:21 - Chia sẻ

Theo TS. PHÙNG ĐỨC TÙNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, một trong những thành tựu lớn và quan trọng nhất trong năm 2023 là Việt Nam đã nâng tầm hợp tác với các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản - những đối tác kinh tế quan trọng. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2024 và những năm tiếp theo.

Thúc đẩy đầu tư ắt có tăng trưởng

- Nhìn lại năm 2023, theo ông, đâu là những kết quả nổi bật, mang tính nền tảng?

- Năm 2023, nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song chúng ta vẫn có tăng trưởng và cải thiện dần qua các quý. Nếu như quý I, GDP chỉ tăng 3,28%, bước sang quý II tăng 4,08%, quý III tăng 5,33%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao của khu vực, thế giới.

Phùng Đức Tùng

Các ngành cũng có sự khởi sắc rõ rệt, với hầu hết đều tăng trưởng, đặc biệt là các ngành dịch vụ, lưu trú, ăn uống. Sản xuất công nghiệp cũng có dấu hiệu phục hồi từ tháng 5.2023, với mức tăng 0,5% và liên tiếp tăng trưởng trong các tháng còn lại, lên 5,8% vào tháng 11.

Xuất khẩu - một trong ba “cỗ xe tam mã” cho tăng trưởng, cũng đã cải thiện khi đơn hàng xuất khẩu dần quay lại, nhất là với ngành gỗ, dệt may. Từ tháng 9.2023, kim ngạch xuất khẩu đã tiến triển tốt hơn, từ mức -4,8% vào tháng 8 đã tăng lên 4,6% vào tháng 9 và nâng lên tăng 6,7% vào tháng 11.2023. Nhìn chung, mặc dù vẫn chưa trở về mức tăng trưởng của năm trước, song xuất khẩu phục hồi cũng là tín hiệu tích cực cho thời gian tới.

Đặc biệt, giải ngân đầu tư công thực sự là điểm sáng. Cụ thể, tính đến tháng 11.2023, giải ngân ước đạt khoảng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77% về tỷ lệ và cao hơn khoảng 123 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Cần nhấn mạnh, năm nay, số tiền giải ngân cực lớn, với trên 700.000 tỷ đồng, nên việc giải ngân được số vốn này tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng, nhất là khi một loạt công trình hạ tầng giao thông được đầu tư, đi vào vận hành. Đây là nền tảng quan trọng, có tác động lan tỏa tới các ngành, giúp kéo giảm chi phí logistics và tạo tiền đề để thúc tăng trưởng cho năm tới.

Một điểm sáng quan trọng nữa là trong năm nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản lên đối tác chiến lược toàn diện. Cùng với đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế với các nước này.

Ngoài ra, không thể không kể đến việc trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VNĐ giảm 2 - 3% so với cuối năm 2022. Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, qua đó kích thích dòng tiền từ ngân hàng đi vào đầu tư. Khi thúc đầu tư thì ắt có tăng trưởng!

- Những kết quả đó chính là từ dấu ấn trong việc ra quyết sách, chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, thưa ông?

- Có được những thành quả đó là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, song tôi cho rằng cũng có vai trò rất lớn từ sự đồng hành, chủ động, nhìn nhận vấn đề từ sớm, từ xa của Quốc hội.

Có thể thấy, trong năm 2023, Quốc hội đã ban hành một loạt chính sách pháp luật quan trọng, như thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ tạo cú huých cho thị trường bất động sản cải thiện. Cùng với đó, việc Quốc hội ban hành một số nghị quyết quan trọng như Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến 30.6.2024… cũng là động lực cho tăng trưởng.

Đặc biệt, cùng với thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Quốc hội đã đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành. Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Đây là những cơ sở rất quan trọng để tạo sức thu hút đầu tư cho Việt Nam, qua đó góp phần cho tăng trưởng những năm tiếp theo.

Tăng trưởng 6% có thể khả thi

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế nước ta trong năm mới 2024?

- Nhìn sang năm 2024, chúng ta cũng đang có những động lực tăng trưởng quan trọng đến từ đầu tư công; hạ lãi suất, đặc biệt là về ngoại giao khi đã nâng tầm quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và có thể tới đây là Australia cùng một số nước khác. Tất nhiên, để tận dụng được các cơ hội này sẽ cần thời gian, song đây vẫn được cho là nền tảng vững chắc giúp kinh tế nước ta có thể “cất cánh”.

Cơ hội lớn từ nâng tầm quan hệ hợp tác với các nước -0
Nguồn: ITN

Ở các nước, nhất là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, lạm phát đã giảm dần và qua đó sẽ thúc đẩy tiêu dùng, đồng nghĩa nhu cầu hàng hóa tăng cao, là cơ hội để gia tăng đơn đặt hàng từ Việt Nam, nhất là với các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ… Đây chính là những cơ hội để chúng ta hy vọng năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ có khởi sắc.

Dù vậy, khó khăn, thách thức vẫn rất lớn. Trên thế giới, thách thức từ những cuộc xung đột không chỉ giữa Nga - Ukraine mà còn ở Dải Gaza rất khó lường và sẽ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu; cước vận tải biển cũng sẽ tăng và đảo lộn chuỗi phân phối. Bên cạnh đó là rủi ro từ thiên tai khôn lường, bởi năm 2023 đã chứng kiến nhiệt độ tăng kỷ lục. Việc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng sẽ có tác động tới toàn cầu, kéo theo các chính sách có thể sẽ thay đổi. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần và liệu có phục hồi vào năm tới cũng là một biến số tác động rất lớn đến nền kinh tế nước ta.

Trong nước, mặc dù hoạt động của doanh nghiệp đã cải thiện, song khó khăn vẫn rất nhiều, không chỉ đến từ đơn hàng mà còn từ những quy định hành chính cũng như khâu thực thi. Tình trạng sợ sai, ngại làm trong đội ngũ cán bộ công chức nhà nước vẫn còn, và nhiều doanh nghiệp đang tìm cách ngồi yên để nghe ngóng thay vì ra quyết định đầu tư. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải tạo dựng được lòng tin trong người dân, doanh nghiệp.

- Cách nào tạo dựng được niềm tin ấy, thưa ông?

- Không có cách gì khác là các cơ chế phải thực sự rõ ràng, thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh. Khi cơ chế, chính sách rõ ràng, thông thoáng, dễ tiên lượng, thì cán bộ công chức cũng sẽ có cơ sở để thực thi, nhưng vẫn cần phải bảo vệ những người dám làm, dám vì cái chung.

- Ông dự báo thế nào về mức tăng trưởng của cả năm 2024?

- Với những động lực đang có, tôi hy vọng tăng trưởng cả năm có thể đạt quanh mức 6%. Tất nhiên, đây là con số rất thách thức đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất lớn của toàn bộ hệ thống từ Trung ương đến địa phương, người dân, doanh nghiệp; trong đó, đầu tư công, tập trung vào các công trình hạ tầng quan trọng như sân bay, đường cao tốc vẫn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng và cần phải được tiếp tục lưu tâm để thúc đẩy giải ngân, tạo sức lan tỏa cho toàn nền kinh tế. Song song với đó, chúng ta cũng cần nhanh chóng cụ thể hóa cơ hội từ việc nâng cấp quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Quang
#