Chuyển đổi số toàn diện ngành hải quan

- Thứ Tư, 24/04/2024, 13:07 - Chia sẻ

Trong cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan nhằm thảo luận về mô hình nghiệp vụ tổng thể xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh; Tổng cục Hải quan đánh giá, đến nay các công việc về chuyển đổi số đã đạt những kết quả quan trọng.

Số hóa toàn bộ quy trình

Công tác chuyển đổi số ngành hải quan có thể kể đến như hoàn thiện mô hình tổng thể xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh theo hướng số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ hải quan tất cả các khâu trước, trong và sau thông quan; bảo đảm đơn giản hóa, tự động hóa, liên thông giữa các luồng thông tin và phản ánh toàn diện yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, ứng dụng kỹ thuật khoa học công nghệ tiên tiến để phân tích, xử lý thông tin.

Về triển khai Dự án xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan (Dự án số 01); Ban Triển khai dự án xây dựng Hệ thống Công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan đã cơ bản hoàn thành Báo cáo khảo sát, thiết kế cơ sở, hồ sơ xin ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông về cấp độ an toàn thông tin; hiện đang tiếp tục hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt yêu cầu bài toán nghiệp vụ, danh sách chức năng (phiên bản 3).

Chuyển đổi số toàn diện ngành hải quan -0
 Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Cao Bằng. Ảnh: Thái Bình

Liên quan đến triển khai các nội dung của Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0; ngành hải quan đã nghiên cứu, phân tích và đánh giá sơ bộ những điểm mới; xác định các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung của kiến trúc tổng thể Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số, mô hình kiến trúc hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan.

Về mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2023 - 2026…

Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp

Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan -Doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2024. Ông Phạm Xuân Trường, Trưởng phòng, Tổ trưởng Tổ Cải cách nghiệp vụ hải quan (Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan) cho biết, nội dung của Kế hoạch xoay quanh 5 nội dung chính là thông tin, hỗ trợ, tham vấn, hợp tác và giám sát.

Tuy nhiên, năm 2024 được xác định là năm đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước của ngành hải quan, là cơ sở quan trọng để xây dựng Hải quan số và Hải quan thông minh, theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Do vậy, 5 hoạt động chính trong Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp cũng tập trung vào nội dung liên quan đến chuyển đổi số. Các hoạt động hỗ trợ, giải đáp vướng mắc, tiếp cận chính sách, pháp luật mới cũng luôn được ngành chú trọng triển khai tới cộng đồng doanh nghiệp.

Chuyển đổi số toàn diện ngành hải quan -0
Công chức Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục thông quan cho hàng phục vụ Tết. Ảnh: T.H

Thực tế trong những năm qua, để đáp ứng khối lượng công việc lớn, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chú trọng hiện đại hóa, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại...; xây dựng và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cũng như nghiệp vụ nhằm hỗ trợ công tác đặc thù của đơn vị.

Cục cũng đã thực hiện các phân hệ ứng dụng tích hợp trên Hệ thống quản trị nội bộ HCAS trong việc số hóa, điện tử hóa quy trình các lĩnh vực công tác như quản lý văn bản và điều hành công việc, theo dõi kết luận chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, đánh giá phân loại cán bộ, công chức hàng tháng, hỗ trợ nghiệp vụ trên nhiều lĩnh vực: chính sách mặt hàng, phân tích phân loại, quản lý rủi ro, mang hàng về bảo quản, báo cáo quyết toán, theo dõi trạng thái tờ khai tại các khâu trong quy trình nghiệp vụ…

Cùng với đó, đơn vị đã triển khai thành công một số đề án mang tính đột phá, như Đề án tạo thuận lợi thương mại, thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái; Đề án Ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, người lao động và tự soi, tự sửa tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh; Đề án Đào tạo phân tích hình ảnh máy soi cho cán bộ công chức làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa, hành lý bằng máy soi; Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao công tác quản lý, theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Năm 2024, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh quyết tâm cùng toàn ngành hải quan thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh, Hải quan xanh đúng như khuyến nghị của WCO và chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời đơn vị sớm hoàn thiện chương trình quản trị số hướng tới văn phòng số (văn phòng không giấy tờ)…

Ông Liu Hiu Min, Tổng Giám đốc Công ty TNHH USI Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng) cho rằng, cơ quan hải quan là đơn vị chuyển đổi số nhanh, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn sao cho việc kết nối liên thông giữa các cơ quan để tăng nhanh tiến độ xử lý thủ tục hành chính, sử dụng dữ liệu dùng chung.

Ngày 4.5.2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký Quyết định số 707/QĐ-TCHQ phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu được ngành hải quan đặt ra là đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, nhằm hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ).

Bạch Hạc
#