Chậm ban hành chiến lược cho ngành bán dẫn sẽ vuột cơ hội lớn

- Thứ Bảy, 28/10/2023, 06:35 - Chia sẻ

“Vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp tiên tiến bậc nhất, mang tính thống trị và lan tỏa tới tất cả ngành công nghiệp khác, đồng thời công nghệ thay đổi nhanh như vũ bão. Do đó, nếu chậm ban hành Chiến lược phát triển, Việt Nam sẽ dễ vuột mất cơ hội “nghìn năm có một” hiện nay”, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam Đỗ Thị Thuý Hương nói.

Doanh nghiệp đang rất mong chờ Chiến lược

- Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn đang là một trong những lựa chọn của nước ta để thúc đẩy phát triển bền vững hơn; ngày 28.10 tới, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ khánh thành, với một trong 8 lĩnh vực trọng tâm là công nghiệp bán dẫn. Bà đánh giá thế nào về cơ hội, triển vọng phát triển ngành này của Việt Nam?

- Có thể khẳng định, chưa bao giờ cơ hội dành cho Việt Nam lớn và tốt như hiện nay trong bối cảnh thế giới rất bất ổn, khi chúng ta vẫn giữ ổn định nền kinh tế và chính trị khá lâu dài. Đặc biệt, Việt Nam - Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó nhấn mạnh hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn. Cam kết này không chỉ bảo đảm cho Việt Nam tham gia hợp tác với các doanh
nghiệp của Hoa Kỳ mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia, kết nối với rất nhiều nhà bán dẫn trên thế giới.

Bà Đỗ Thúy Hương
Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam Đỗ Thị Thuý Hương

Cũng phải nhấn mạnh rằng, việc tham gia công nghiệp vi mạch bán dẫn với doanh nghiệp Việt Nam gần như từ con số 0, vì không có doanh nghiệp tham gia quá trình sản xuất, cung ứng linh kiện trong chuỗi cung ứng đó. Dù FPT hay Viettel có mảng R&D (nghiên cứu và phát triển) tiềm năng rất lớn, song chưa sản xuất thương mại. Trong khi đó, thế giới đã đi trước chúng ta rất xa ở ngành công nghiệp này. Xuất phát điểm như vậy vừa là thách thức song cũng là cơ hội rất lớn cho nước ta, vì giống như viết lên tờ giấy trắng, và cần phải có chiến lược cho công nghiệp vi mạch bán dẫn rất bài bản, mạch lạc, khả thi, vạch cho doanh nghiệp đúng con đường để đi đến thành công. Nếu chúng ta không chuẩn bị tâm thế rõ ràng sẽ vuột mất cơ hội!

- Vậy tâm thế đó là gì, thưa bà?

- Như đã nói, doanh nghiệp Việt Nam gần như xuất phát điểm bằng 0 trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Do đó, để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, khởi đầu là chúng ta cần phải có lực lượng công nghệ đầy đủ, nhưng hiện đang thiếu rất nhiều. Chúng ta cần có cơ chế đối đãi mạch lạc để hút nhân tài là người Việt Nam được ươm tạo từ những vườn ươm trên thế giới trở về. Mặt khác, cần phải có chiến lược đào tạo nhân lực mang tính bao trùm trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Quan trọng hơn cả, chúng ta cần phải sớm ban hành Chiến lược Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Được biết, trong báo cáo gửi tới Quốc hội phục vụ Kỳ họp thứ Sáu, Chính phủ cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chiến lược này. Cộng đồng doanh nghiệp Việt trong và ngoài nước đang rất nóng lòng chờ đợi một chiến lược bài bản, quy mô và đi vào cuộc sống nhanh nhất! Bởi công nghệ của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thay đổi rất nhanh. Minh chứng là, khi Việt Nam - Hoa Kỳ ký kết thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện thì thế giới mới đạt công nghệ con chip 2nm, một tuần sau Intel thông báo đã R&D con chip 1,8nm và sẽ tổ chức sản xuất hàng loạt từ 2024. Nếu chúng ta ban hành Chiến lược theo quy trình thông thường mất nhiều thời gian sẽ dễ vuột mất cơ hội!

Việc xây dựng Chiến lược cũng cần tham vấn ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, bởi hơn ai hết, đó là nơi gần nhất với doanh nghiệp và sẽ cập nhật được hơi thở của cuộc sống.

Đào tạo nhân lực kỹ sư thiết kế là chưa đủ

- Cũng trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ xác định sẽ lựa chọn, hỗ trợ một hoặc một số doanh nghiệp lớn trong nước, có đủ năng lực trở thành doanh nghiệp dẫn dắt ngành công nghiệp này. Theo bà, làm thế nào để có được những doanh nghiệp như vậy?

- Đây là định hướng rất đúng đắn, bởi khi doanh nghiệp trong nước đứng đầu chuỗi sẽ có tính lan tỏa và phát triển chuỗi cung ứng bền vững hơn so với việc phụ thuộc vào FDI. Muốn vậy, cần có chính sách vườn ươm, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều mặt, từ phát triển nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá và nâng cao năng lực cạnh tranh, bơm nguồn lực tài chính để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi…

- Chính phủ đã giao các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng đề án phát triển nhân lực cho ngành bán dẫn, mục tiêu có 50.000 kỹ sư vào năm 2030. Bà nghĩ sao về mục tiêu này?

- Trước khi xác định đào tạo bao nhiêu nhân lực, cần xác định được quy mô thị trường trong 5 - 10 năm tới để hoạch định chiến lược đào tạo cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực. Ngành công nghiệp bán dẫn liên quan đến nhiều mảng, từ đầu tư sản xuất đến xử lý quy trình công nghệ, cập nhật công nghệ. Do đó, nhân lực cho ngành này không phải chỉ cần kỹ sư thiết kế vi mạch, như thế là chưa đủ và sẽ thiếu tính trọng tâm. Vai trò của các kỹ sư thiết kế rất quan trọng, song việc hiểu biết quy trình công nghệ sản xuất bán dẫn còn quan trọng hơn, vì tốc độ thay đổi công nghệ trong ngành này cực nhanh.

Như vậy, cùng với kỹ sư thiết kế, ngành này còn rất cần các chuyên gia, những người dù học ở bậc Cao đẳng song phải có chuyên môn tốt trong quá trình tổ chức sản xuất - điều mà Việt Nam vẫn đang thiếu. Việc đào tạo cũng cần gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, bởi nếu đào tạo mang tính hàn lâm sẽ khó bảo đảm tính thực hành trong khi tốc độ thay đổi công nghệ rất nhanh.

- Theo bà, Quốc hội cần làm gì để thúc đẩy ngành này phát triển?

- Tôi rất mong muốn tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ có định hướng rõ ràng cho phát triển những ngành công nghiệp mới, trong đó có vi mạch bán dẫn, làm cơ sở để Chính phủ đẩy nhanh quá trình xây dựng Chiến lược phát triển ngành này. Khi Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng vào cuộc, chúng ta có cơ sở để tin tưởng sẽ không bị vuột mất cơ hội “nghìn năm có một” trong việc phát triển ngành công nghiệp tiên tiến bậc nhất này!

- Xin cảm ơn bà!

Đan Thanh thực hiện
#