Các biện pháp hỗ trợ đầu tư phải hướng đến mục tiêu kép

- Thứ Năm, 28/03/2024, 07:19 - Chia sẻ

Góp ý vào dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khi thiết kế các biện pháp hỗ trợ đầu tư, cần lựa chọn các phương án chính sách sao cho đạt được mục tiêu kép - đó là vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa có tác động tích cực lan tỏa và dài hạn cho kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt

Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Nghị định định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư trong năm 2024, đồng thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành. Thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ (trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã xây dựng dự thảo Nghị định và đang đưa ra lấy ý kiến đóng góp.

Theo VCCI, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu cơ chế Nhà nước cam kết hỗ trợ đầu tư cho toàn bộ thời gian hoặc một số năm xác định trước của dự án, không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách từng năm hay việc xin hỗ trợ của các doanh nghiệp khác. Khi đó, nhà đầu tư sẽ yên tâm đưa số tiền hỗ trợ này vào các tính toán trước khi quyết định đầu tư, từ đó sẽ có tác động thu hút đầu tư. 

“Việc cam kết trước này sẽ đẩy rủi ro về phía nhà nước; nhà nước có thể cân đối lại bằng cách giảm mức hỗ trợ, đặc biệt là các chi phí như tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất và chi phí vốn vay. Chúng tôi tin rằng, mức hỗ trợ thấp nhưng chắc chắn và dự đoán được sẽ có tác dụng thu hút đầu tư tốt hơn so với mức hỗ trợ cao nhưng không dự đoán được”, VCCI nêu quan điểm.

Theo dự thảo Nghị định, Quỹ Hỗ trợ đầu tư là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ Tài chính hoặc trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nguồn thu của Quỹ từ thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thu từ các khoản lãi tiền gửi và các khoản thu hợp pháp khác… Chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp từ Quỹ được phân loại là chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công.

Cụ thể, Quỹ sẽ chi trực tiếp bằng tiền mặt hỗ trợ: (1) chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; (2) chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; (3) chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; (4) chi phí nghiên cứu và phát triển; (5) hỗ trợ tín dụng, lãi suất. Các khoản hỗ trợ đầu tư từ Quỹ mà doanh nghiệp được nhận không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các đối tượng được hỗ trợ gồm: doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng và đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển với quy mô vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.

Việc xác định đối tượng dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao được thực hiện theo quy định tại Luật Công nghệ cao năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển được xác định theo 2 hình thức: tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành; dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển theo Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nâng mức và mở rộng diện hỗ trợ 

Góp ý vào dự thảo Nghị định, VCCI cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam “nâng cấp” các biện pháp hỗ trợ đầu tư thay vì tập trung chủ yếu vào ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như trước đây. Do đó, khi thiết kế các biện pháp hỗ trợ đầu tư cần lựa chọn các phương án chính sách sao cho đạt được mục tiêu kép, vừa hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời có tác động tích cực lan tỏa và dài hạn cho kinh tế - xã hội.

Trên tinh thần này, VCCI đề xuất nâng mức hỗ trợ tối đa chi phí nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, ví dụ lên 75% trong trường hợp doanh nghiệp thuê một đơn vị của Việt Nam để thực hiện hoạt động R&D, như một trường đại học, viện nghiên cứu, thay vì 50% như dự thảo Nghị định. Cơ chế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu trong nước, từ đó giúp nâng cao năng lực cho các đơn vị này, lan tỏa đến sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.

Về chi phí đầu tư tài sản cố định, dự thảo quy định tỷ lệ hỗ trợ cao nhất lên đến 40%. VCCI đề xuất cân nhắc việc phân loại mức hỗ trợ theo loại tài sản là động sản hay bất động sản. Theo đó, nếu doanh nghiệp đầu tư tài sản cố định là bất động sản (công trình gắn liền với đất) thì mức hỗ trợ có thể cao hơn trường hợp tài sản cố định là động sản (như máy móc, thiết bị). Chính sách như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp có thêm động lực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thay vì chuyển sản xuất sang nước khác.

Về chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội, dự thảo quy định mức hỗ trợ tối đa 50%, gồm các khoản chi phí trực tiếp đầu tư các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình hạ tầng xã hội khác phục vụ cho dự án đầu tư. Theo VCCI, đây là hình thức hỗ trợ vừa có lợi cho dự án, vừa giúp cải thiện đời sống của người lao động và cư dân xung quanh. Vì vậy, nên cân nhắc mở rộng diện hỗ trợ, cụ thể là cho: nhà ở dành cho công nhân, người lao động; một số loại hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho dự án, người lao động và cư dân xung quanh như công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, cấp nước, thu gom và xử lý chất thải… Ngoài chi phí đầu tư ban đầu, cơ quan soạn thảo cũng nên cân nhắc hỗ trợ một phần chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình này.

Bên cạnh đó, hiện nay, vấn đề sản xuất xanh, thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng được nhiều quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung một số hình thức hỗ trợ gồm: chi phí lắp đặt và vận hành điện mặt trời mái nhà, các trụ điện gió; chi phí lắp đặt và vận hành các công trình tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, nước thải, khí thải, nhiệt lượng, các biện pháp ngăn bụi, tiếng ồn…; chi phí chuyển đổi phương tiện giao thông từ nhiên liệu hóa thạch sang loại thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, VCCI đề xuất Quỹ nên hỗ trợ chi phí một số loại bảo hiểm bắt buộc, bắt buộc mua bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, do các loại bảo hiểm này có tác động tích cực trong nền kinh tế như phòng chống cháy nổ, cải tạo phục hồi môi trường, an sinh xã hội cho người lao động.

Hà Lan
#