Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo về "Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp"

- Thứ Năm, 07/12/2023, 14:42 - Chia sẻ

Sáng 7.12, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức hội thảo "Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam".

Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo về
Tổng biên tập Báo Đại Biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền phát biểu khai mạc. Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Báo Đại Biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Việt Nam là một nước nông nghiệp. Trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển đất nước, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành nông nghiệp cũng giành được những thành tựu to lớn, bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước và là trụ đỡ vững vàng cho nền kinh tế.

Đóng góp vào thành quả này có vai trò quan trọng của ngành vật tư nông nghiệp - gồm các sản phẩm đầu vào của sản xuất như cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…

Trong đó, phân bón là vật tư quan trọng số một, bởi nó chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành trồng trọt trong khi ngành trồng trọt chiếm 64 – 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo về
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Quang Khánh

Thời gian qua, nhờ chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước và quá tái cơ cấu, ngành phân bón đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, Việt Nam từ quốc gia phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu đã chủ động được nguồn cung và xuất khẩu sản phẩm sang nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, khó khăn đang “gõ cửa” ngành phân bón cả về mặt chủ quan và khách quan; trong đó, có những bất cập về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT). Kéo theo đó là những tác động không mong muốn đến sản xuất nông nghiệp cũng như doanh nghiệp và nông dân.

Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định nguồn thu cho ngân sách và phù hợp với thông lệ quốc tế, tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, Quốc hội Khóa XV đã yêu cầu khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Luật Thuế GTGT, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt…

"Dự kiến, tại phiên họp tháng 12.2023 khai mạc vào tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo về
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Quang Khánh

Trong bối cảnh như vậy, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo: “Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam” với mong muốn đóng góp hữu ích vào quá trình sửa đổi Luật này", Tổng biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.

Theo Luật Thuế GTGT hiện hành, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp như: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ;... thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Do đó, doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản phẩm.

Các doanh nghiệp cho rằng, điều này khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại và không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo về
PGS.TS Nguyễn Thị Thùy Dương, Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân)  phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thùy Dương, Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Các nước này phần lớn đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT. Mặt hàng này khi nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu nên doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán với sản phẩm nhập khẩu và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất tại thị trường Việt Nam. 

Cùng với đó, Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế GTGT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%.

Trước thực tiễn đó, điều quan trọng là phải phát triển một chiến lược rõ ràng cho lĩnh vực này. Với các mặt hàng vật tư nông nghiệp là phân bón và thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản nên có sự đối xử về thuế khác nhau. Đối với phân bón nên đưa vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%”, PGS.TS Nguyễn Thị Thùy Dương đề xuất.

Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo về
Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Nguyễn Văn Phụng phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đề xuất này được nhiều diễn giả tham gia hội thảo tán thành, như ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Manabox Việt Nam; PGS.TS Lý Phương Duyên, Giảng viên cao cấp Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính…

Đặc biệt, PGS.TS Lý Phương Duyên lưu ý, khi đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%, cần lưu ý sửa đổi các quy định về hoàn thuế GTGT cho đồng bộ, tránh tình trạng có doanh nghiệp nộp thuế “âm” qua nhiều năm nhưng không được hoàn thuế do không thuộc diện được hoàn thuế.

Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo về
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Huỳnh Tấn Đạt phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khi đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT, các nhà sản xuất trong nước được phép khấu trừ thuế GTGT này trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nội địa. Qua đó, giiúp nhà sản xuất chuyển hướng đầu tư công nghệ mới, điều tiết giá thành, quản lý về chất lượng, thương hiệu, các sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, việc áp dụng cần mang tính chất phù hợp từng giai đoạn, từng thời kỳ để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Ông khuyến cáo các đơn vị sản xuất phân bón cần chủ động rà soát toàn bộ quy trình, chi phí sản xuất phù hợp chính sách thuế mới.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xây dựng quy trình thanh, kiểm tra để quản lý tốt giá phân bón, quản lý tốt tình trạng tích trữ các sản phẩm vật tư để tăng giá. Tăng cường kiểm tra, giám sát đơn vị kinh doanh buôn bán chống hàng giả, nhái thương hiệu, bảo vệ nhà sản xuất chân chính. Ngoài ra, có các giải pháp về mặt kỹ thuật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tận dụng phế phụ phẩm trong nước để bớt chịu ảnh hưởng phân bón nhập khẩu, tránh ảnh hưởng môi trường đất, sinh thái....

Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo về
Chủ nhiệm Bộ môn Thuế - Tài Chính công (Học viện Ngân hàng), TS. Bùi Thị Mến phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Bên cạnh đó, TS. Bùi Thị Mến, Chủ nhiệm Bộ môn Thuế - Tài Chính công (Học viện Ngân hàng), cho rằng, đề xuất áp thuế GTGT đối với một số vật tư nông nghiệp thay vì không chịu thuế như hiện nay cần được xem xét toàn diện ở các mặt. Lý do là việc áp dụng thuế (kể cả ở mức thấp) có thể tạo ra cơ chế khấu trừ, hoàn thuế đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật v.v.) nhưng cũng có có thể ảnh hưởng tăng giá đầu vào của nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân, nông trại và các hợp tác xã nông nghiệp.

Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo về
Chuyên gia Kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Dưới góc độ chuyên gia Kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, đề xuất cần tạo ra một bộ chính sách thuế đối với ngành nông nghiệp nhằm tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

_______

Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (Nhãn hàng NPK Phú Mỹ - Kali Phú Mỹ)

Hạnh Nhung
#