LTS:Cử tri cũng như lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã nhiều lần bày tỏ xót xa trước cảnh hàng ngàn hecta đất vàng giữa trung tâm thành phố bị “bỏ hoang” bởi vướng các kết luận thanh tra, bản án của Tòa án. Gần một thập kỷ qua, chính quyền địa phương đã không ngừng nổ lực để tháo gỡ những vướng mắc nhằm khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển thành phố.
Tuy nhiên, việc tháo gỡ này không phải là điều đơn giản bởi vướng hàng loạt quy định pháp luật hiện hành. Để “giải cứu” những đại dự án này không chỉ cần có sự nổ lực từ phía chính quyền thành phố mà còn cần sự hỗ trợ, vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Dự án Khu đô thị Đa Phước từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của thành phố với nhiều khu nhà biệt thự, trung tâm thương mại nằm sát biển nhưng qua hơn một thập kỷ triển khai, nơi đây chỉ còn một đống hoang tàn với những tòa nhà cao tầng xây dựng dở dang đã gỉ sét.
Dự án được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều sai phạm liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và một số lãnh đạo của UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ trước.
Lãng phí nguồn lực đất đai
Từ cầu Thuận Phước nhìn xuống, Khu đô thị quốc tế Đa Phước (nằm trên đại lộ Nguyễn Tất Thành giáp giữa quận Hải Châu và Thanh Khê) ngổn ngang những tòa nhà cao tầng bỏ hoang cùng những bãi lau sậy, cây dại ùm tùm rộng hàng trăm hecta.
Hàng chục ngàn tỷ đồng đã “đổ” vào dự án này để hút cát lấn biển, kè bờ, xây dựng hệ thống đường sá giao thông. Khi dự án đã gần như hoàn thành hơn 2/3 chặng đường thì chủ đầu tư dính vòng lao lý, cơ quan chức năng xác định việc xây dựng dự án có nhiều sai phạm.
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ ban hành tháng 8 năm 2020, tại thời điểm thanh tra, khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước triển khai 2 dự án gồm: Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước có diện tích 181 hecta do Công ty TNHH The Sunrise Bay làm chủ (gọi tắt là dự án 181 hecta) và dự án Khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình có diện tích 29 hecta do Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước thực hiện (gọi tắt là dự án 29 hecta). Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện dự án, UBND TP. Đà Nẵng, các sở ngành chức năng, chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân có liên quan có nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Thanh tra Chính phủ cũng đã nêu rõ các sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định, phê duyệt, quy hoạch chi tiết 1/500, không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác định nghĩa vụ tài chính trong việc cho thuê đất, giao đất không đúng…
Ngoài yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền đối với những vi phạm, khuyết điểm được nêu ra trong kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị các Bộ ngành liên quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan chức năng liên quan phối hợp, hướng thành phố trong việc thực hiện kết luận.
Cũng trong năm 2020, bản án của TAND cấp cao tại Hà Nội giao UBND TP. Đà Nẵng thu hồi toàn bộ dự án 29 hecta của khu Đa Phước. Tuy nhiên, tại thời điểm này, dự án đã chuyển nhượng 189 lô đất biệt thự diện tích 16.630m2 cho 189 khách hàng. Nhiều hộ đã chuyển vào đây xây nhà, sinh sống. Các hộ dân này cũng đã nhiều lần có đơn kiến nghị cơ quan chức năng xem xét đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân đã mua nhà ngay tình.
Người dân, lãnh đạo mong muốn được tháo gỡ
Suốt nhiều năm qua, “đại dự án” Khu đô thị quốc tế Đa Phước trở thành “tâm điểm” trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND cũng như Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng. Trong đó, cử tri bày tỏ xót xa trước cảnh hoang tàn của Khu đô thị triệu đô.
Hàng trăm hecta đất vàng khu trung tâm của thành phố có thể phát triển thành những dự án trung tâm thương mại, cao ốc hay hệ thống vui chơi, giải trí bên bờ biển… phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc để hàng trăm hecta đất ven biển hoang phế theo thời gian làm lãng phí nguồn lực của địa phương.
“Năm 2023, Đà Nẵng chọn chủ đề năm là “năm khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”,. Tuy nhiên đến nay, một số dự án như Sân vận động Chi Lăng, khu đô thị Đa Phước… vẫn đóng băng do liên quan đến các vụ án trước đây đã được xử lý, có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thực thi. Kính mong Đại biểu Quốc hội kiến nghị Trung ương sớm tháo gỡ, tạo điều kiện cho thành phố Đà Nẵng phát triển” cử tri Nguyễn Bá Hội (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì.
Theo ông Huỳnh Văn Sơn (ngụ phường Thanh Bình, Hải Châu, Đà Nẵng), khi dự án mới khởi công, người dân địa phương rất ngóng chờ sự hình thành của một khu đô thị hiện đại, khang trang. Nhưng bao năm qua, nơi đây vẫn chỉ là những bãi đất trống bạt ngàn cùng những khối nhà bê-tông gỉ sét. Người dân mong mỏi các cấp chính quyền sớm tháo gỡ các vướng mắc để phát triển khu đô thị quốc tế xứng tầm.
Trước những phản ánh, kiến nghị của cử tri, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã có nhiều nổ lực để tháo gỡ các khó khăn, tồn tại. Trong đó, những gì thuộc về thẩm quyền của thành phố thì địa phương đã chủ động tháo gỡ xong. Còn những gì không thuộc thẩm quyền giải quyết, thành phố đã có báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng xác nhận, việc tháo gỡ các vướng mắc tại “đại dự án” Khu đô thị quốc tế Đa Phước là vấn đề rất khó, không có trong quy định của pháp luật. Hy vọng trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền có chỉ đạo để thành phố có những giải pháp cụ thể, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực tạo sự phát triển cho thành phố.
(Còn nữa)