Hoạt động của Agribank 6 tháng đầu năm

Bài 1: Chủ động, linh hoạt trong điều hành

- Thứ Năm, 25/07/2024, 07:17 - Chia sẻ

Với phương châm "Kinh doanh an toàn, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao", Agribank đã hoàn thành mục tiêu đặt ra trong 6 tháng đầu năm. Quan trọng hơn, với sự linh hoạt trong điều hành, đơn vị đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thông qua việc hỗ trợ hạ lãi suất cho các khách hàng, doanh nghiệp…

Linh hoạt trong điều hành

Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, đến 30.6.2024, vốn huy động thị trường đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng; trong đó, tiền gửi dân cư đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, Agribank tập trung cơ cấu lại nguồn vốn về kỳ hạn, lãi suất; điều chỉnh giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Đặc biệt, Agribank đã thay đổi mạnh mẽ tư duy trong quan hệ với khách hàng, nhất là trong công tác tín dụng. Ngân hàng chủ động tìm kiếm và có chính sách thu hút đối với các khách hàng có phương án/dự án kinh doanh khả thi, hiệu quả; thường xuyên tổ chức, tham gia các chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; triển khai đa dạng các chương trình/sản phẩm tín dụng phù hợp với từng ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hướng tới tính đặc thù cho từng địa phương, vùng miền; khuyến khích khách hàng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường.

Agribank luôn kịp thời có mặt khi doanh nghiệp cần. Ảnh: Agribank
Agribank luôn kịp thời có mặt khi doanh nghiệp cần. Ảnh: Agribank

Trong 6 tháng qua, Agribank áp dụng triệt để ứng dụng công nghệ trong quy trình cho vay, nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng. Ban lãnh đạo Ngân hàng tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; chủ động giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,5 - 2%, nhất là đối với các khoản giải ngân mới; riêng lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm 1 - 2,5%.

Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, dư nợ tín dụng của Agribank tăng trưởng tích cực. Đến 30.6.2024, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,59 triệu tỷ đồng; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch phù hợp, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

Agribank đã dành khoảng 195.000 tỷ đồng để triển khai 10 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với nhiều đối tượng khách hàng: Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư trung, dài hạn, khách hàng xuất nhập khẩu, khách hàng đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP, khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ hoạt động kinh doanh, tiêu dùng... Các chương trình, chính sách tín dụng đạt hiệu quả, góp phần ổn định thị trường, giải quyết những khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và người dân.

Doanh nghiệp yên tâm sản xuất

Từ nguồn đất nguyên liệu trải qua nhiều công đoạn và công nghệ sản xuất hiện đại, những tấm gạch ốp lát chất lượng cao của Công ty CP Kỹ thương Thiên Hoàng (Mikado Group) đã được hình thành.

Năm 2002, Mikado Group quyết định đầu tư về Tiền Hải - Thái Bình. Thời điểm đó, với việc đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, phù hợp thị hiếu thị trường, sản phẩm được sản xuất ra đến đâu, bán hết đến đó. Trong những ngày đầu tiên ấy, doanh số công ty khoảng 2 tỷ đồng/tháng - con số đáng mơ ước lúc bấy giờ. Hiện tại, với 10 nhà máy công suất lớn, sản phẩm gạch ốp lát của công ty đã có mặt tại 60 quốc gia trên toàn thế giới, doanh thu năm 2023 mang về tới trên 30 triệu USD.

Trong sự phát triển mạnh mẽ của Mikado Group, có sự đồng hành gắn kết thủy chung của Agribank. Từ những ngày đầu, Agribank đã đầu tư cho Mikado Group 25 tỷ đồng để xây dựng nhà máy đầu tiên (với tổng vốn đầu tư 56 tỷ đồng). Đến nay, hạn mức tín dụng Agribank dành cho Mikado Group lên tới trên 400 tỷ đồng, đáp ứng đủ và kịp thời về vốn để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Tổng Giám đốc Mikado Group Phạm Bách Tùng khẳng định, những đồng vốn của Agribank là tài sản rất quý, giúp Công ty phát triển mở rộng và không ngừng vươn xa...

Không chỉ đồng hành cùng với Mikado Group, Agribank đã và đang đồng hành cùng nhiều công ty xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn trong nước; trong số đó có Công ty CP Prosi Thăng Long.

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2014, vốn điều lệ liên tục tăng trưởng đến nay đạt 289 tỷ đồng; Công ty CP Prosi Thăng Long hiện kinh doanh 5 mặt hàng chính là quế, hồi, hạt tiêu, cơm dừa và hạt điều. Công ty thu mua sản phẩm trực tiếp từ nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn một số tỉnh miền Bắc như Yên Bái, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Ninh; khu vực Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng…; khu vực miền Nam như Bình Phước, Bến Tre…

Hiện nay, Công ty chủ yếu xuất khẩu trực tiếp 5 mặt hàng trên ra thị trường nước ngoài, cho các khách hàng thuộc khoảng 78 quốc gia trên thế giới, như Thái Lan, Nga, Ấn Độ, Srilanka, Sudan, Mỹ, Ai Cập, Brazil, Canada, Tiểu vương quốc Ả rập, Bangladesh... Riêng trong năm 2023, với mức tăng trưởng hơn 180% về sản lượng, Prosi Thăng Long đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu hoa hồi lớn nhất Việt Nam, thu về hàng chục triệu đô la.

Trên thực tế, Agribank luôn chủ động tiếp cận khách hàng, nắm bắt nhu cầu vay vốn, khẩn trương thiết lập quan hệ tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của khách hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng bám sát tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp; định kỳ cập nhật kết quả khách hàng để có thể tư vấn, áp dụng các chính sách về bảo đảm tiền vay, lãi suất, phí và các dịch vụ thanh toán phù hợp đối với các doanh nghiệp trong từng thời kỳ… Nhờ sự sát sao và chủ động, linh hoạt trong mọi hoạt động chỉ đạo, điều hành; Agribank đã cùng doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, giữ vững tăng trưởng.

Đức Kiên
#