Xuất khẩu cá tra giảm 41%

- Thứ Bảy, 27/05/2023, 19:55 - Chia sẻ

Khó khăn về thị trường khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra sụt giảm 41% trong 4 tháng đầu năm, chỉ đạt gần 570 triệu USD.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm, dẫn đến lượng và giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam đều giảm.

Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra mang về gần 570 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu sang hai thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc đều giảm sâu. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông chỉ đạt 183 triệu USD, giảm 39%; sang Mỹ chỉ đạt 86 triệu USD, giảm 64%.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 60 triệu USD, giảm 8%. Trong đó, nhiều thị trường trong khối giảm từ 13% - 31%, trừ thị trường Đức tăng 78%. 

Các thị trường xuất khẩu chính của cá tra ghi nhận sự sụt giảm mạnh  -0
Lạm phát kéo dài khiến xuất khẩu thủy sản nói chung, cá tra nói riêng gặp nhiều khó khăn. Nguồn: ITN

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chính khác trong 4 tháng đầu năm cũng chứng kiến tăng trưởng âm 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như: sang Mexico giảm 45%, sang Canada giảm 51%, sang Nhật Bản giảm 15%, sang Brazil giảm 33%, sang Thái Lan giảm 49%.

Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng khi tính đến hết tháng 4.2023, xuất khẩu cá tra sang Anh đạt 22 triệu USD, tăng 13%; sang Singapore đạt 12 triệu USD, tăng 20%.

Xuất khẩu tất cả các sản phẩm cá tra đều tăng trưởng âm 2 con số. Trong đó, xuất khẩu cá tra phile/cắt khúc đông lạnh (mã HS 0304) đạt 471 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 45%. Xuất khẩu cá tra tươi/đông lạnh/khô (mã HS 03) đạt 89 triệu USD, giảm 9%, xuất khẩu cá tra chế biến (mã HS 16) đạt 9 triệu USD, giảm 23%.

VASEP nhận định, hậu quả của lạm phát kéo dài và lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đang là một trong những khó khăn cho ngành thủy sản trong đó có cá tra. Người nuôi và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức từ thị trường sụt giảm, chi phí nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh, thiếu vốn đề quay vòng sản xuất kinh doanh.

Hạnh Nhung
#