Vì một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập

- Thứ Sáu, 29/03/2024, 19:12 - Chia sẻ

“65 năm qua, ngành thủy sản vững bước phát triển nhanh, toàn diện và ổn định, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước…". Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản và 10 năm ngày ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 29.3, tại Hà Nội.

Vì một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập -0
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tặng quà lưu niệm cho Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư. Ảnh: BN

Xuất khẩu tới trên 170 thị trường

Tại lễ kỷ niệm, cùng ôn lại thời khắc lịch sử, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Bác đã căn dặn “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng vô tận của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thể theo nguyện vọng của ngành thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, ngày 1 tháng 4 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chính thức là Ngày Truyền thống ngành thủy sản Việt Nam. Cục trưởng Trần Đình Luân khẳng định, 65 năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển và hội nhập với nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1995 đến nay, ngành thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc.

Tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam -0
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: BN

Cụ thể, sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023.

Với sự năng động sáng tạo, vượt qua bao khó khăn thử thách, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD năm 1999 và gần 11 tỷ USD năm 2022, đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam).

Phấn đấu “Chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”

Tại phiên họp thứ 9, ngày 17.7.2012, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã xem xét, thông qua chủ trương thành lập lực lượng kiểm ngư Việt Nam, đồng thời giao Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư. Ngày 29.11.2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2012/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư và ngày 15.4.2014, tại Đà Nẵng, lực lượng kiểm ngư chính thức ra mắt. Đây là một mốc lịch sử, đánh dấu sự ra mắt và đi vào hoạt động của lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết, trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư đã ngày, đêm bám biển, điều động hàng nghìn lượt tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển.

Vì một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập -0
Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng kiểm ngư trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: BN

"Trong 10 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lực lượng kiểm ngư Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thành tích đó bắt nguồn từ lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, tinh thần đoàn kết, gắn bó, đồng lòng, chung sức, ý thức trách nhiệm và đặc biệt là sự nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong toàn lực lượng", ông Nguyễn Quang Hùng tự hào chia sẻ.

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, Cục Kiểm ngư sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, gồm: Tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách kiểm ngư; đầu tư tàu xuồng kiểm ngư hiện đại; hoàn chỉnh tổ chức bộ máy, trong đó chú trọng phát triển kiểm ngư địa phương. Phấn đấu phát triển lực lượng kiểm ngư “Chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”...

Hướng đến minh bạch, trách nhiệm, bền vững

Biểu dương những thành tựu kết quả mà ngành thủy sản và lực lượng kiểm ngư đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển ông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, để tự tin hướng tới những mục tiêu lớn hơn, dài hạn hơn, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển”, nhất quán với quan điểm lãnh đạo của Đảng và cũng là nguyện vọng của bà con ngư dân, của toàn thể người dân thì Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm:

Xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả.

Vì một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập -0
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tặng Bằng khen cho các cá nhân. Ảnh: BN

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.

Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới. Kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thủy sản, với cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng đồng bộ. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Phía trước chúng ta là 'hải trình' hướng đến mục tiêu: Vì một nền thủy sản 'minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập', vì thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Chúng ta có 3 trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản: Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng - Bảo tồn biển".

Trước mắt, ngành thủy sản cần cấu trúc lại dựa trên: ngư nghiệp - ngư dân - ngư trường. "Chúng ta phát huy sức mạnh của thiết chế cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, một thiết chế phát huy sức mạnh của cộng đồng. Phía trước chúng ta là cùng nhau hành động để tháo gỡ thẻ vàng chống khai thác IUU trong thời gian sớm nhất", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Cao Linh
#