Nhiều yếu tố thuận lợi tiếp sức cho xuất khẩu gạo

- Thứ Năm, 11/01/2024, 08:49 - Chia sẻ

Xuất khẩu gạo năm 2024 được dự báo sẽ nối tiếp đà thành công của năm 2023 với nhiều yếu tố thuận lợi như: thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo; Ấn Độ có khả năng duy trì hạn chế xuất khẩu trong khi nhu cầu nhập khẩu của một số bạn hàng truyền thống của ta đều tăng.

85% là lúa chất lượng cao

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng lúa cả nước năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9%, do diện tích tăng 10.600ha (tăng 0,1%) và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha (tăng 1,7%). Sản lượng trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Xuất khẩu gạo năm 2023 đạt kỷ lục 8,3 triệu tấn, mang về gần 4,8 tỷ USD - cao nhất từ năm 1989 tới nay. Đặc biệt, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao đã tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 và hiện đạt 85%.

ASEAN và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu gạo sang ASEAN đạt 4,58 triệu tấn, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Trung Quốc đạt 896.000 tấn, tăng 10,9%. Tính chung lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 5,48 triệu tấn, chiếm tới 72% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá, năm 2023 trong bối cảnh an ninh lương thực bất ổn, Ấn Độ, Nga thắt chặt xuất khẩu, Việt Nam nổi lên là quốc gia xuất khẩu với sản lượng lớn, nhiều chủng loại gạo chất lượng cao, ổn định cho nhiều phân khúc thị trường, từ châu Á tới châu Âu (EU).

VFA dự báo, xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ tiếp tục thuận lợi do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo. Trong khi đó, Ấn Độ có khả năng tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo; còn một số quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines đều có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo. Hiện, Indonesia dự báo tăng nhập khẩu khoảng 600.000 tấn. Mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2024 đạt 5,3 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2023. Giá gạo cũng được dự báo sẽ tiếp đà tăng.

Cơ hội từ Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) Phạm Thái Bình cho rằng, xuất khẩu gạo năm 2024 có thể tốt hơn năm 2023 nếu chúng ta biết tận dụng được cơ hội thị trường, bởi nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn. Trong bối cảnh thế giới đang thiếu gạo, Việt Nam dù cũng chịu tác động bởi biến đổi khí hậu nhưng ít hơn và có thể tăng sản xuất.

Tuy nhiên, ngành vẫn sẽ gặp nhiều thách thức như đa phần chưa có thương hiệu; tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chất lượng thấp vẫn còn cao. Do đó, giải pháp đường dài, căn cơ chính là cánh đồng lớn, tức liên kết doanh nghiệp và nông dân, đôi bên cùng có lợi. Hiện nay, Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai, nếu thành công cả nông dân và doanh nghiệp đều sẽ có lãi.

Đề án 1 triệu hécta lúa gạo chuyên canh chất lượng cao được xác định là kim chỉ nam cho năm nay và nhiều năm tới. GS.TS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành lúa gạo, cho rằng, để tham gia vào Đề án, các tỉnh cần khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân. Thành lập hoặc củng cố hợp tác xã, quán triệt trồng lúa theo giống nào, quy trình cụ thể ra sao để nông dân làm theo. Gạo nguyên liệu của hợp tác xã sản xuất theo quy trình sẽ giúp hạ giá thành nhưng chất lượng cao; khi Nhà nước được hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Thế giới cũng sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp để cải tiến máy móc thiết bị. Từ đó, gạo vừa có thương hiệu vừa truy được nguồn gốc dễ dàng.

Đồng thời, cần đa dạng sản xuất các giống gạo, loại gạo khác nhau để phục vụ cho mục đích thị trường; sắp xếp trên thị trường, chia thị phần gạo để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Làm như vậy các doanh nghiệp sẽ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Cần Thơ, cần có chính sách hỗ trợ, phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao. Các doanh nghiệp cũng phải có vùng nguyên liệu tương đối để mang lại hiệu quả và không thể thiếu các nhà khoa học đồng hành, tránh thiệt hại trong sản xuất.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng cho rằng, Đề án 1 triệu hécta lúa gạo khả thi, bởi nước ta có thế mạnh về khoa học công nghệ, cùng bộ giống lúa tốt, trình độ sản xuất lúa tiên tiến. Chúng ta đã vào được cả những thị trường khó tính nhất. Hạ tầng thủy lợi cũng rất tốt so với mặt bằng chung. Đặc biệt, chính sách của Nhà nước rất nhiều ưu đãi cho lúa gạo. “Để thực hiện thành công Đề án, cần sớm giải quyết ngay mắt xích yếu nhất là sự liên kết của nông dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan liên quan”, ông Bổng nhấn mạnh.

Trúc Oanh
#