Hợp tác khu vực để thúc đẩy kinh tế số

- Thứ Sáu, 29/03/2024, 07:05 - Chia sẻ

Để thúc đẩy kinh tế số, sự phối hợp giữa các bên liên quan là yếu tố quan trọng; đó không chỉ giữa khu vực công và khu vực tư, giữa các cơ quan Chính phủ mà còn giữa Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á. Đây là kiến nghị tại Hội thảo "Phát triển kinh tế số và hoàn thiện thể chế về công nghệ: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam", do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 28.3.

Cơ chế thí điểm thực hiện còn chậm

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số, qua đó, kinh tế số có những bước phát triển, được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước.

Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế số đạt 19%, cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao hơn gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng tưởng cao nhất trong khu vực, theo Báo cáo thường niên kinh tế số của Google, Temasek, Bain & Company. Bên cạnh đó, các giao dịch thanh toán trên môi trường mạng tăng 66% về tổng số giao dịch và tăng 4% về giá trị giao dịch.

Cũng theo bà Thảo, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu quan trọng. Chính phủ cũng đặc biệt nhấn mạnh tới việc tạo lập khuôn khổ pháp lý để triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Song song với đó, Chính phủ cũng thực hiện cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số, hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư nguồn lực cho thi hành pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cải cách nền hành chính theo hướng số hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với những cấu phần đã đi vào vận hành như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia…

Dù vậy, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM nhìn nhận, các hành động triển khai, hiện thực hóa bằng những chính sách cụ thể, cơ chế thí điểm thực hiện còn chậm, chưa theo kịp sự phát triển và nhu cầu của thực tiễn.

Tăng cường phối hợp giữa các bên

Dẫn kinh nghiệm của các nước trong khu vực ASEAN, ông Keith Detros, Giám đốc chương trình, Viện Nghiên cứu công nghệ vì cộng đồng (TFGI) cho biết, mặc dù chính sách phát triển công nghệ khác nhau giữa các nước trong khu vực nhưng đều có mối quan tâm chung là duy trì cạnh tranh nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; bảo vệ người tiêu dùng; bảo vệ dữ liệu cá nhân để tạo dựng niềm tin và tăng cường an ninh mạng.

Để tiến kịp sự thay đổi về công nghệ, Chính phủ các nước có phương pháp tiếp cận chính sách linh hoạt, trong đó có cơ chế thử nghiệm (sandbox). Ở khu vực Đông Nam Á, cơ chế thử nghiệm là một cách tiếp cận chính sách tương đối mới song được triển khai áp dụng ngày càng tăng. Hiện, ASEAN-6 có 39 sáng kiến sandbox, áp dụng ở 10 lĩnh vực là công nghệ tài chính (fintech), y tế, vận tải, máy bay không người lái, nông nghiệp, công nghệ mới nổi... Malaysia và Singapore dẫn đầu khu vực về số lượng sandbox, với lần lượt 10 và 11 sandbox mở; Việt Nam đang dự thảo cơ chế thử nghiệm cho lĩnh vực fintech.

Việc áp dụng các cơ chế thử nghiệm mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Về phía doanh nghiệp, cơ chế thử nghiệm giúp họ theo đuổi được những ý tưởng sáng tạo, các doanh nghiệp được tiếp cận tài chính; về phía cơ quan quản lý, hoàn thiện chính sách, quy định thông qua mở rộng đối tượng tham gia; về phía người tiêu dùng, sẽ thúc đẩy áp dụng công nghệ tin cậy.

Dù vậy, ông Keith Detros cho rằng, cơ chế thử nghiệm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: tạo sân chơi không bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc và không thuộc đối tượng điều chỉnh của sandbox; tăng thêm nguồn lực cho hoạt động quản lý và giám sát; sự khác biệt về quy định có thể dẫn tới việc hạ thấp các tiêu chuẩn quy định và ảnh hưởng đến việc bảo vệ người tiêu dùng.

Các chuyên gia lưu ý, để thúc đẩy phát triển kinh tế số và hoàn thiện thể chế về công nghệ, sự phối hợp giữa các bên liên quan là yếu tố quan trọng. Đó là sự phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ thông qua các kênh “mềm” giúp tăng cường hiệu quả quản trị, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ hội phối hợp, liên kết và hợp tác. Đặc biệt, Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó bao gồm Việt Nam, cần hợp tác để thúc đẩy nền kinh tế số, tận dụng các sáng kiến như Thỏa thuận khung về kinh tế số để thiết lập các khuôn khổ có thể phối hợp và các quy định tương ứng.

Minh Châu
#