Giá phân bón ra sao nếu áp thuế giá trị gia tăng?

- Thứ Sáu, 08/12/2023, 08:23 - Chia sẻ

Đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với thuế suất 5%. Nếu vậy, giá phân bón sẽ diễn biến thế nào?

Đây là một trong những nội dung được nêu tại Hội thảo “Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức, ngày 7.12. Theo đó, các diễn giả cũng đã làm rõ bất cập của chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) hiện hành với mặt hàng phân bón. 

Không áp thuế, “ba nhà” đều thiệt

Phân bón là vật tư quan trọng số một bởi nó chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt chiếm 64 - 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Nhằm hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân, tháng 11.2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13), chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế.

Giá phân bón ra sao nếu áp thuế giá trị gia tăng? -0
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Q. Khánh

“Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định nguồn thu cho ngân sách và phù hợp với thông lệ quốc tế, tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, Quốc hội Khóa XV đã yêu cầu khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt…

Dự kiến, trong phiên họp tháng 12.2023, khai mạc vào tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Trong bối cảnh như vậy, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam” với mong muốn đóng góp hữu ích vào quá trình sửa đổi Luật này. Ý kiến thảo luận, chia sẻ của các diễn giả sẽ là nguồn thông tin tham khảo tin cậy và hữu ích đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến thuế giá trị gia tăng trong thời gian tới".

Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền

Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách như vậy lại phát sinh nhiều bất cập, TS. Bùi Thị Mến, Chủ nhiệm bộ môn Thuế - Tài chính công, Học viện Ngân hàng, nhận xét. Điều này được các diễn giả phân tích rõ tại hội thảo.

Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Phần lớn các nước này đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế VAT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.

Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lại gặp nhiều khó khăn. Do phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT nên các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm. Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng 5 - 8%, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; đồng thời không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Không chỉ doanh nghiệp mà Nhà nước và nông dân cũng đều chịu thiệt. Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế VAT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%. Còn nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm - nghĩa là mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được.

Nên áp thuế VAT 5% với phân bón

Từ thực trạng này, đa số diễn giả tham dự hội thảo cho rằng cần thay đổi chính sách thuế VAT với phân bón. “Sự điều chỉnh này hướng tới mục tiêu nâng hiệu quả, giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp để mọi người trong ngành đều được hưởng lợi tốt nhất, chứ không đơn thuần là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hay tăng giá, giảm giá”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, nói.

Các diễn giả như ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính; PGS.TS. Lý Phương Duyên, Giảng viên cao cấp Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính;  TS. Bùi Thị Mến, Chủ nhiệm bộ môn Thuế - Tài chính công, Học viện Ngân hàng; ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Manabox Việt Nam… đều nhất trí rằng, quá trình sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng tới đây, cần đưa phân bón vào diện chịu thuế với thuế VAT với thuế suất 5%.

“Tại sao không phải là thuế suất VAT 10%? Thuế suất 10% thì tính liên hoàn (giữa khấu trừ đầu vào và hoàn thuế - PV) tốt hơn, khoa học hơn nhưng lĩnh vực nông nghiệp đang được ưu đãi nên xét cả tình và lý đều chưa hợp lý. Còn thuế suất 0% - kinh nghiệm các nước chỉ áp dụng cho những mặt hàng mang tính an sinh, nhân văn, ví dụ thuốc chữa bệnh. Do đó, cũng chưa nên áp dụng mức thuế này với phân bón”, PGS.TS. Lý Phương Duyên phân tích.

“Việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% không chỉ phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế, mà cũng là mở rộng diện chịu thuế, mở rộng cơ sở thuế như Chiến lược cải cách hệ thống thuế gia đoạn 2021 - 2030”, ông Nguyễn Văn Phụng nói.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, khi áp thuế VAT với phân bón, các nhà sản xuất trong nước được khấu trừ thuế VAT trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nội địa. Qua đó, giúp nhà sản xuất chuyển hướng đầu tư công nghệ mới, điều tiết giá thành, quản lý về chất lượng, thương hiệu, sản phẩm khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế VAT cần phù hợp từng giai đoạn, từng thời kỳ để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước nói chung và nông nghiệp nói riêng.

Tại hội thảo, một vấn đề quan trọng được thảo luận là áp thuế VAT 5% với phân bón có làm tăng giá sản phẩm này không? “Về mặt cảm quan, tăng thuế sẽ làm tăng giá sản phẩm nhưng thực tế có thể không như vậy. Ví dụ, hiện nay doanh nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào nên họ phải tính vào giá thành sản phẩm. Nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT, doanh nghiệp được khấu trừ và chi phí sản xuất giảm nên họ có dư địa lớn để cạnh tranh giảm giá”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách phân tích.

Giải thích rõ hơn, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nói: “Chúng ta làm gì thì làm, vẫn phải để cho giá là giá cạnh tranh. Giảm hay tăng bất cứ sắc thuế nào có thể làm cho giá tăng, giá giảm nhưng với mặt hàng ít độc quyền, thông thương với thế giới thì giá là giá quốc tế. Ở đây, dù sản xuất trong nước nhưng vẫn phải chấp nhận giá quốc tế cộng với VAT, nhưng nếu có chính sách thuế phù hợp thì doanh nghiệp có cơ để giảm giá, cạnh tranh với giá quốc tế đó”.

Đặc biệt, PGS.TS. Lý Phương Duyên lưu ý, khi đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với thuế suất 5%, cần sửa đổi các quy định về hoàn thuế cho đồng bộ để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp. Thực tế đã có doanh nghiệp nộp thuế “âm” qua nhiều năm (do thuế VAT đầu vào là 5%, thuế VAT đầu ra là 10%) nhưng không được hoàn thuế do không thuộc diện được hoàn thuế.

Hà Lan
#