Giá cà phê lập đỉnh - vui mừng, thách thức đan xen

- Thứ Năm, 02/05/2024, 18:54 - Chia sẻ

Giá cà phê tăng cao – nhưng đây là một câu chuyện gây không ít thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu. Giá cà phê trong nước đang tăng cao từng ngày và hiện ở mức kỷ lục trong vòng 16 năm qua. Dự báo giá cà phê sẽ còn tăng cao hơn nữa. 

Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: "Giá cà phê tăng đột biến quá, chúng tôi không kịp điều chỉnh; chưa kịp thông báo đã bắt buộc phải tăng, nếu không tăng thì sẽ bị lỗ, do đó mức tiêu thụ chậm".

Giá cà phê lập đỉnh, vui mừng
Người nông dân canh tác, chăm bón, cần nguồn nước tưới cho cây cà phê

Thời gian gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, chế biến cà phê không ít lần bị ngưng trệ vì sự tăng giá đột biến của cà phê. Đầu niên vụ 2023 - 2024, cà phê nhân quanh mức 47.000 đồng/kg, hiện tại đã vượt mốc hơn 130.000 đồng/kg.

Một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự đột biến giá cà phê là bởi hiện tượng El Nino khiến cà phê thế giới bị mất mùa, nguồn dự trữ bị sụt giảm nhiều, do vậy dự báo giá cà phê sẽ còn tăng cao hơn nữa vì thực trạng này.

Giá cà phê lập đỉnh, vui mừng
Doanh nghiệp thu mua nông sản đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn sản lượng cà phê 

Trước sự biến động mạnh về giá cà phê, người được cho là hưởng lợi nhiều nhất là nông dân. Nhưng nhận định cho rằng lượng dự trữ cà phê trong dân còn nhiều là không có cơ sở. Giá đầu mùa thấp, cuối mùa thì quá cao khiến những người nông dân canh tác, sản xuất cà phê cảm thấy tiếc nuối.

Ông Trần Hồng Minh, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, giá cà phê tăng như vậy, nhưng nông dân như ông thì bán hết từ lúc 79.000 đồng/kg, bản thân ông không nghĩ giá cà phê sẽ tăng cao như vậy. 

Ông Trần Hồng Minh, xã Ea Kao, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ về tình hình sản xuất, sản lượng cà phê của người dân hiện nay

Trong khi nông dân trồng cà phê có phần hứng khởi thì các doanh nghiệp xuất khẩu lao đao. Việc giá cà phê tăng “chóng mặt” khiến một số đơn vị thu gom huỷ hợp đồng, không giao hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp xuất khẩu không được giao hàng với các đơn đã ký giá thấp, buộc phải mua bù giá cao hơn để giao cho đối tác. Nhưng khi giá cà phê tiếp tục tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu lại tiếp tục bị đối tác hủy hợp đồng dẫn đến lỗ chồng lỗ. 

Cả nông dân và doanh nghiệp đều không lường trước được cà phê sẽ có sự tăng giá đột biến như lúc này, sản lượng dự trữ hầu như đã được bán sạch. "Người giữ hàng, thương lái, đồng thời những người đầu cơ giá lên đang rất tự do. Cần cấu trúc lại hoạt động thu mua trong nước. Tại sao mình không thành lập hiệp hội thương lái và có những quy định cụ thể từng vùng và từng mặt hàng", ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia cà phê Việt Nam chia sẻ.

Giá cà phê lập đỉnh, vui mừng
Quy trình đóng gói xuất khẩu cà phê

Nhu cầu về nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang tăng hơn gấp đôi, nhưng hạn mức cho vay của ngân hàng không tăng. Trước thực trạng đó, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đề nghị: với tình trạng giá cả ngày một tăng như vậy thì rõ ràng biện pháp lâu dài là các ngân hàng cần xem lại hạn mức cho vay đối với các doanh nghiệp và năng động hơn trong việc xử lý cho vay.

Giá cà phê lập đỉnh, vui mừng
Hạt cà phê rang xay

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng kênh dự báo thị trường tốt hơn. Doanh nghiệp cần có kế hoạch thu mua, sản xuất ngay từ đầu mùa. Quan trọng nhất là hiện tượng El Nino khiến sản lượng cà phê có nguy cơ sụt giảm hơn nữa, ngay lúc này, cần xây dựng lại vùng nguyên liệu bền vững, canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu để Việt Nam duy trì sản lượng hơn 2 triệu tấn, và đạt mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD trong năm nay.

Khánh Ngân - Anh Minh
#