GDP tăng 5,05% - Việt Nam tiếp tục là điểm sáng

- Thứ Bảy, 30/12/2023, 08:29 - Chia sẻ

Trong bối cảnh hầu hết các tổ chức quốc tế đánh giá năm nay tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức dưới 3%, thì việc GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,05% là kết quả tích cực và vẫn là điểm sáng của khu vực và thế giới.

Nhiều kết quả tích cực

Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV.2023 và năm 2023 ngày 29.12, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước tăng 5,05% so với năm trước.

Toàn cảnh họp báo. Anh: Vũ Quang
Toàn cảnh họp báo. Anh: Vũ Quang

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%. Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82%, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020 - 2021.

Đặt trong trong bối cảnh hầu hết các tổ chức quốc tế đánh giá năm nay tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm hơn năm trước, ở mức dưới 3%, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, mức tăng trưởng 5,05% là kết quả hết sức tích cực và vẫn là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới. GDP quý sau cao hơn quý trước cho thấy sự nỗ lực, khó khăn ngay từ đầu năm nhưng chúng ta không bỏ cuộc, vẫn quyết tâm với tất cả nội lực và huy động nguồn lực từ bên ngoài - bà Hương phát biểu.

Điểm sáng đáng chú ý nữa là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước và cao nhất trong 5 năm qua. Ngoài vốn đăng ký mới, năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 14% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD (giảm 22,1% so với cùng kỳ).

Một tín hiệu tích cực khác là hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng cuối năm diễn ra sôi động góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khá tích cực so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV.2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV.2023 tăng 3,54% so với quý IV.2022. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Giữ ổn định vĩ mô để bứt phá

Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta  Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng. Ở trong nước, tuy thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024 dự báo kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tổng cục Thống kê nhận định, tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn. 

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024 bao gồm: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp đà tăng trưởng tích cực; hiệu quả của chiến lược phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa bảo đảm nguồn cung và an ninh lương thực vừa phát triển nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững tiếp tục phát huy trong năm tới. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tiếp tục ổn định, giá sản phẩm lương thực tăng sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. 

Đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng. Thu hút FDI được dự báo tiếp tục là điểm sáng, Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của dòng vốn FDI. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, từ đó tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, kích thích tăng trưởng.

Bên cạnh đó, một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như: ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch... Các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định. Lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, ở mức hợp lý sẽ hỗ trợ tích cực cho tiêu dùng trong nước. 

Cùng với đó, sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ giúp kích cầu tiêu dùng trong nước. Việc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024 sẽ có tác động lớn đến những người được hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước.

Năm 2024 được xác định là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan, nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Vũ Quang
#