Cần cơ chế rõ ràng, thống nhất cho điện mặt trời mái nhà

- Thứ Năm, 11/04/2024, 20:51 - Chia sẻ

Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Giải pháp nào cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 11.4. 

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII), Chính phủ khuyến khích phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Trong đó, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn điện ổn định trong quá trình sản xuất kinh doanh, hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, đây cũng là điều kiện không thể thiếu trong quá trình hội nhập quốc tế. 

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR cho biết, Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng) đang triển khai 3 dự án ĐMTMN, tổng công suất tính là 3MW. Tính đến năm 2023, các dự án này tạo ra 5.800MWh, sản lượng điện này giúp các doanh nghiệp giảm chi phí khoảng 10 tỷ đồng (giảm 1%). Hiện các khu công nghiệp tại Hải Phòng còn rất nhiều dư địa để phát triển ĐMTMN trên các mái nhà xưởng.

Toàn cảnh Diễn đàn Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp. Ảnh: Hạnh Nhung
Toàn cảnh Diễn đàn Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp. Ảnh: Hạnh Nhung 

Tuy nhiên, một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp lưỡng lự do vẫn chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để khuyến khích, thúc đẩy ĐMTMN. Thủ tục, quy trình xin giấy phép đầu tư còn chung chung... Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ĐMTMN khá lớn. Theo tính toán để đầu tư sản xuất 1 MW điện cần khoảng 13 tỷ đồng, điều này khiến các doanh nghiệp lo ngại về việc thu hồi vốn, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định Nguyễn Vũ Chiên cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm, đến nay có 30 - 50% doanh nghiệp đã lắp đặt ĐMTMN. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện thuận lợi như nhau, phía Nam và miền Trung có thời tiết thuận lợi hơn miền Bắc. Cơ chế cho ĐMTMN cho doanh nghiệp, KCN cũng chưa rõ ràng. Vẫn còn khoảng trống pháp lý sau Quyết định 13/QĐ-TTg về giá điện. Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 1.4.2024 phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới; còn ĐMTMN thì đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản tự tiêu.

Sớm ban hành cơ chế giá mới

Trước những thách thức nêu trên, theo ông Lã Hồng Kỳ - Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án ngành năng lượng, cần phải có cơ chế rõ ràng để phát triển hiệu quả nguồn điện này.

Ông Kỳ đề xuất, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các phần tử cấu thành nên hệ thống ĐMTMN (tấm pin, inverter, ắc quy, bộ chống phát ngược zero export…).  Tổ chức, giao nhiệm vụ nghiên cứu/báo cáo chuyên sâu về ảnh hưởng của ĐMTMN đối với việc vận hành hệ thống lưới điện trung và hạ áp (chất lượng điện năng, sóng hài, quá điện áp, độ dao động điện áp, tổn hao...), tỷ lệ tối ưu giữa điện lưới và ĐMTMN trong một phát tuyến trung/hạ áp… Rà soát các hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành, cần có hướng dẫn từ các bộ, sở ban ngành liên quan và địa phương để có sự thống nhất trong cả nước để chủ đầu tư thuận lợi trong việc bổ sung các hồ sơ liên quan. 

Ảnh minh họa. Nguồn:ITN
Nguồn:ITN

Cùng với đó, xem xét ưu tiên phần lớn phần công suất lắp đặt ĐMTMN nối lưới còn lại đến năm 2030 (2.200MW) cho các tỉnh miền Bắc, trong đó tính toán chia cho các tỉnh. Hàng năm, tiến hành đánh giá việc lắp đặt ĐMTMN và có thể điều chỉnh lại cho phù hợp. Cần có cơ chế hỗ trợ giá đối với vùng sâu, vùng xa dùng ĐMTMN.

Ngoài ra, do đặc điểm ở miền Bắc khí hậu chia 4 mùa, lượng bức xạ mặt trời các tháng có sự chênh lệch khá lớn nên rất khó khăn cho việc tính toán công suất ĐMTMN nối lưới tự dùng. Ông Kỳ đề nghị có cơ chế để EVN mua lại một phần lượng điện dư (nên quy định lượng điện dư tối đa chiếm bao nhiêu % sản lượng điện sinh ra từ hệ thống ĐMTMN). Giá mua điện nên quy định mức tối thiểu để chủ đầu tư không thể lợi dụng chính sách và không lãng phí sản lượng điện đã sinh ra từ hệ thống ĐMTMN.

Phó Chủ tịch VITAS Trương Văn Cẩm đề xuất sớm có quy định cụ thể cơ chế điều tiết, mua bán, sử dụng ĐMTMN trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; sớm ban hành chính sách thay thế cho cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn. Các quy định liên quan cần được giải thích cụ thể, rõ ràng để doanh nghiệp hiểu và thực thi - ví dụ, thế nào là “tự sản tự tiêu”.

Đối với các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, họ cần thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các ngân hàng trong việc tìm kiếm nguồn vốn, áp dụng các cơ chế khuyến khích và ưu đãi thuế khi đầu tư phát triển ĐMTMN cũng như xây dựng và vận hành hạ tầng lưới điện.

Hạnh Nhung
#