Thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế
Về chương trình phục hồi phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết ngay sau khi Thủ tướng ban hành Nghị quyết 11, thành phố Hà Nội đã ban hành ngay Kế hoạch 91 của UBND thành phố. Đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho 2,6 triệu lượt đối tượng, người lao động, người gặp khó khăn sau dịch Covid-19 với số tiền là 2.661 tỷ đồng; hoàn thành việc hỗ trợ chi trả tiền thuê nhà cho 420.000 người lao động của 13.000 doanh nghiệp số tiền là 220 tỷ đồng.Về hiệu quả hỗ trợ sản xuất kinh doanh về miễn giảm phí, lệ phí đã có 85.000 lượt doanh nghiệp được giảm thuế GTGT số tiền là 19.400 tỷ đồng và hơn 18.000 doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế GTGT… với tổng số tiền 20.000 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm thuế đất năm 2022, thành phố Hà Nội đã hướng dẫn 100% đối tượng về việc giảm 30% thuế đất.
Về việc giải ngân đầu tư công 2022, tháng 9.2022, Hà Nội mới giải ngân chưa được 50%, khi đó Thủ tướng đã có đoàn công tác trực tiếp làm việc với thành phố Hà Nội, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác của Thủ tướng, TP. Hà Nội đã chủ động tích cực nhận diện các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, tập trung về trách nhiệm, giá cả.
Ban cán sự UBND thành phố Hà Nội đã chủ động báo cáo Chính phủ và nhờ Ban Thường vụ vào cuộc lãnh đạo chỉ đạo công tác giải ngân bởi đây là nhiệm vụ rất lớn của Hà Nội. Tính đến 31.1.2023, thành phố Hà Nội đã giải ngân được hơn 45.000 tỷ đồng (87,8%). Đây là sự nỗ lực rất lớn của Thành phố.
Nếu loại trừ vốn ODA của dự án Nhà máy nước thải Yên Xá đã hết thời gian hiệp định vay vốn, thành phố Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng đồng ý gia hạn dự án này đến cuối tháng 5. Nếu dự án này được phê duyệt cuối năm 20222 Hà Nội sẽ giải ngân được thêm 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này phức tạp nên thành phố Hà Nội đợi sự chỉ đạo của Chính phủ ký sớm để Hà Nội được triển khai ngay dự án này.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Về khó khăn, vướng mắc, thành phố Hà Nội đồng tình với báo cáo của Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là có rất nhiều khó khăn về kĩ thuật, quy trình dự án, phân cấp, phân quyền. Rất mong Thủ tướng trong bối cảnh pháp luật chưa kịp sửa có việc gì ủy quyền được cho địa phương, ủy quyền cho các Bộ trưởng thì mong một Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng hiện giờ một dự án "thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác", chặn về đất đai, về môi trường,… mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời. “ Mong muốn Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng phải ngồi đôn đốc nhau như hiện nay”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị.
Năm 2023, thành phố Hà Nội đã phân khai ngay gần 47.000 tỷ đồng vốn đầu tư công và phân luôn trách nhiệm chính. Ngay từ đầu năm, thành phố Hà Nội cũng thanh tra công vụ về đầu tư công, thanh tra kết quả năm 2022 và chuẩn bị cho năm 2023. Đến cuối tháng 2.2023, Hà Nội cũng đã giải ngân được hơn 3.600 tỷ đồng (5,5% kế hoạch năm 2023).
Bên cạnh đó, ngoài kiến nghị về vốn ODA cho nhà máy nước thải Yên Xá còn có dự án đường Nhổn - ga Hà Nội cũng đã hết thời gian hiệp định vay vốn đến 31.12, Thủ tướng cũng đã kiểm tra dự án và thành phố Hà Nội đã báo cáo tiến độ từ cuối tháng 11 mà đến tháng 1.2023 mới có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng xuống Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Còn vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư công, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh, thành khác cũng đang vướng, đó là câu chuyện phải có đủ vốn mới được phê duyệt chủ đầu tư. Hà Nội nhiệm kỳ này có 250.000 tỷ vốn đầu tư công, với số tiền này, Hà Nội chỉ bố trí cho 5-7 công trình đã hết số tiền này mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ. “Mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này thì mới giải thoát được câu chuyện về bố trí vốn”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị.