Giữ gìn chữ viết và bản sắc văn hóa của dân tộc
Để bảo đảm công tác giảng dạy, học tập và làm tốt công tác tham mưu, vào dịp hè mỗi năm, Ban Dân tộc tỉnh đã chỉ đạo Phòng Dân tộc các huyện, TP. Cà Mau đồng loạt khai giảng các lớp dạy và học chữ Khmer, chương trình thường kéo dài trong suốt thời gian hè. Riêng mùa hè năm 2024, Phòng Dân tộc các huyện và TP. Cà Mau tổ chức được 23 điểm dạy chữ Khmer với 30 giáo viên, 34 lớp giảng dạy (23 lớp 1 và 9 lớp 2, 2 lớp 3) và 595 học sinh theo học; 1 điểm dạy chữ Hoa với 7 giáo viên, 9 lớp học và 94 học sinh tham gia học tập trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời, Đầm Dơi, U Minh, Thới Bình và TP. Cà Mau.
Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, nhiều trường học ở Cà Mau đã mở các lớp học dạy chữ Khmer, giúp học sinh Khmer có thể học chữ viết và văn hóa dân tộc ngay từ khi còn nhỏ. Đây là cách thiết thực để duy trì và phát triển ngôn ngữ này trong thế hệ trẻ. Ngoài hệ thống giáo dục chính quy, các lớp dạy chữ Khmer còn được tổ chức ở các chùa và các Trung tâm văn hóa, đặc biệt là trong kỳ nghỉ hè, nhằm tạo cơ hội cho các em học sinh không có điều kiện học chữ Khmer trong năm học. Hoạt động này không chỉ diễn ra ở các trường học, mà còn được hỗ trợ của các sư sãi và nhà chùa. Các chùa Khmer ở Cà Mau, như chùa Monivongsa Bopharam, không chỉ là nơi dạy chữ, mà còn là trung tâm văn hóa, nơi diễn ra các lễ hội, phong tục tập quán, giúp cộng đồng Khmer duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của mình. Nhờ vào những nỗ lực này, phong trào dạy chữ Khmer ở Cà Mau đã có nhiều kết quả tích cực, giúp thế hệ trẻ người Khmer giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong một xã hội đa dạng.
Tạo động lực để học sinh gắn bó với ngôn ngữ, văn hóa dân tộc
Tuy có nhiều nỗ lực duy trì và phát triển chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng phong trào dạy chữ Khmer cho đồng bào dân tộc ở Cà Mau gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do các yếu tố kinh tế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực còn hạn chế.
Trước hết là khó khăn do thiếu giáo viên có chuyên môn, hiện tại, đội ngũ giáo viên có khả năng dạy chữ Khmer còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản, điều này gây khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu học của cộng đồng.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và tài liệu giảng dạy hạn chế, nhiều trường học và lớp học cộng đồng thiếu tài liệu giảng dạy, sách giáo khoa và các phương tiện hỗ trợ. Cơ sở vật chất ở một số nơi còn xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Nhiều gia đình người Khmer còn khó khăn về tài chính nên các em phải đi làm thêm và phụ giúp gia đình nên ít có thời gian và điều kiện để theo học chữ Khmer, hơn nữa, không ít gia đình và bản thân các em chưa có động lực, chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học chữ Khmer nên không có động lực học tập, đặc biệt khi các em phải học thêm ngoài chương trình phổ thông. Một số vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có đông người Khmer sinh sống nhưng giao thông khó khăn, khiến cho việc đi lại để tham gia các lớp học chữ Khmer trở nên phức tạp. Các chương trình dạy chữ Khmer thường chỉ là các chương trình ngắn hạn, học sinh thiếu sự hỗ trợ lâu dài khiến các em không theo đuổi đến cùng được việc học.
Để khắc phục những khó khăn trên, chính quyền và ngành giáo dục tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy công tác dạy chữ Khmer, với mục tiêu bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Khmer. Tại các địa phương có đông người Khmer, ngành đã đưa chương trình dạy chữ Khmer vào các trường học, việc này giúp các em có cơ hội học tiếng mẹ đẻ ngay trong giờ học chính khóa, đồng thời tạo động lực để các em học tập và gắn bó với ngôn ngữ, văn hóa dân tộc mình. Tỉnh cũng chú trọng đào tạo giáo viên có khả năng dạy chữ Khmer, bao gồm việc mở các lớp bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên người dân tộc.
Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích người Khmer học chuyên ngành sư phạm để trở thành giáo viên, bảo đảm nguồn nhân lực lâu dài cho phong trào dạy chữ Khmer. Các trường học và lớp cộng đồng dạy chữ Khmer được hỗ trợ cải thiện cơ sở vật chất, cung cấp sách giáo khoa, tài liệu dạy học đồng có các chính sách hỗ trợ về kinh phí cho các em học sinh nghèo người Khmer, giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình. Giáo viên dạy chữ Khmer cũng nhận được sự hỗ trợ kinh phí để khuyến khích họ gắn bó và cống hiến cho công tác này.
Song song đó, các cơ quan liên quan cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tầm quan trọng của việc giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa Khmer, điều này giúp cộng đồng Khmer, đặc biệt là phụ huynh nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của việc cho con em học chữ Khmer.
Theo Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau Quách Kiều Mai, công tác dạy và học chữ Khmer, chữ Hoa luôn được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, người uy tín trong việc tuyên truyền, vận động phụ huynh, tạo điều kiện tốt nhất cho con em tham gia. Các lớp dạy và học chữ Khmer hè đã trang bị cho các em học sinh những kỹ năng đọc và viết câu từ thông dụng, có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình. Qua đó, giúp các em học sinh nâng cao kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán, giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết truyền thống của dân tộc”. Dịp hè năm 2024, để hỗ trợ kinh phí cho giáo viên và các điểm dạy chữ Khmer, chữ Hoa theo quy định, Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ sách giáo khoa, viết, tập học sinh cho các em với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng; đồng thời Ban Dân tộc tỉnh cũng phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho giáo viên dạy chữ Khmer đạt mục tiêu theo nội dung kế hoạch đề ra. Những nỗ lực này đã giúp phong trào dạy chữ Khmer ở Cà Mau phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng Khmer và góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.