Kiên Giang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào 5 lĩnh vực

- Chủ Nhật, 07/03/2021, 11:02 - Chia sẻ
Tỉnh Kiên Giang thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư nước ngoài trên địa bàn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch để thu hút đầu tư.
Chú thích ảnh

Cáp treo vượt biển dài nhất thế giới An Thới - Hòn Thơm phục vụ khách du lịch

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, tỉnh ưu tiên mời gọi thu hút đầu tư nước ngoài vào 5 lĩnh vực trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; du lịch; phát triển có trọng tâm các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao; kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu thu hút 30 - 40 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký khoảng 60 - 100 triệu USD và giai đoạn 2026 - 2030 thu hút 40 - 50 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 80 - 120 triệu USD. Tỉnh phấn đấu tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ của các nước G7 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) giai đoạn 2021 - 2025 đạt 45 - 50% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 60 - 70%; tỷ lệ nội địa hóa bằng mức trung bình của cả nước. Tỉnh ước tính giải quyết việc làm cho khoảng 175.000 lượt lao động, thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 545 triệu USD và giai đoạn 2026 - 2030 hơn 680 triệu USD.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khẳng định: Tỉnh thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch trong công tác đăng ký đầu tư, thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài. Ngành chức năng tỉnh kiểm tra, thanh tra, giám sát theo quy định của pháp luật nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm và có hướng khắc phục những hạn chế của hoạt động đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh sẽ khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, sức cạnh tranh của sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, ưu tiên những dự án sử dụng nhiều lao động địa phương. Tỉnh không xem xét đối với các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Đặc biệt, các ngành chức năng sẽ tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài liên kết doanh nghiệp trong nước phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm. Các sở, ngành có liên quan phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận thông tin liên kết cần thiết nhanh chóng, thuận lợi trong phân tích đánh giá, định hướng, lựa chọn lĩnh vực đầu tư; tỉnh xây dựng danh mục các sản phẩm công nghiệp chủ lực trên cơ sở tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Ngoài ra, tỉnh tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác, chuyển giao công nghệ và quản trị trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện cho doanh nghiệp Việt Nam. Tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các sở ngành chức năng triển khai thực hiện tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhằm giao lưu hợp tác, học hỏi kinh nghiệm về công nghệ, tiến tới tự chủ về cộng nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Lãnh đạo tỉnh cam két sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài trong việc đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, có trình độ và tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến. Ngành chức năng tỉnh thực hiện hiệu quả việc đào tạo lao động có tay nghề, có kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

PV