Năm học 2024-2025 là năm khép kín chu kỳ thực hiện Chương trình giáo dục 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, năm học này thi tuyển sinh lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để các địa phương có căn cứ triển khai chuẩn bị cho các kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã dự thảo và bắt đầu lấy ý kiến rộng rãi xã hội về dự thảo Quy chế thi tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo kế hoạch, việc ban hành Quy chế thi tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ sớm hơn 3 tháng so với những năm trước.
Xây dựng trên 3 quan điểm, nguyên tắc cốt lõi
Dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT được xây dựng từ 3 quan điểm, nguyên tắc cốt lõi:
Thứ nhất, gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém. Đây là quan điểm xuyên suốt được nhấn mạnh trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo; nhất là ở nội dung về đổi mới kiểm tra đánh giá. Quan điểm này tiếp tục được thể hiện trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
Thứ hai, phải thúc đẩy hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện, để học sinh có đầy đủ phẩm chất và năng lực, đủ điều kiện để tiếp tục học lên THPT; hoặc nếu chuyển đổi phân luồng, học nghề cũng có được nền tảng về phẩm chất, năng lực để học, thực hành nghề nghiệp ngay.
Ngoài ra, môn thi, phương thức tuyển sinh cũng phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên với kiểm tra đánh giá cuối kỳ; giúp học sinh có đầy đủ phẩm chất, năng lực, phù hợp với xu thế đổi mới và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ ba, Bộ GD-ĐT ban hành quy định khung quy chế, bảo đảm mặt bằng chung để phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, đánh giá; đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THCS, THPT.
Dự thảo cũng quy địnhiệc tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp trường THCS có số học sinh đăng kí vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì được thực hiện tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hoặc chương trình xóa mù chữ của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học hướng dẫn việc tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) tiến hành dán số phòng thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Quý
Dự kiến 3 phương thức, 3 môn thi với tuyển sinh THPT
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo đó, Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và lựa chọn phương thức.
Đối với việc tổ chức thi tuyển, để đảm bảo thống nhất và bảo đảm quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, dự thảo Quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31 tháng 3 hàng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Về thời gian thi, dự thảo Quy chế quy định Ngữ văn là 120 phút; Toán là 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba là 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp là 90 phút hoặc 120 phút.
Nội dung thi tuyển sinh lớp 10 THPT nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.
Dự thảo Quy chế cũng Quy định khung một số yêu cầu về việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và công bố kết quả, điểm chuẩn, chế độ tuyển thẳng, chế độ ưu tiên… để bảo đảm chất lượng, an toàn trong tổ chức kỳ thi tại các địa phương.
Dự kiến Thông tư Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ được hoàn thiện và ban hành trước 31.12.2024.
Trước khi công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT lấy ý kiến rộng rãi xã hội, Bộ GD-ĐT đã gửi lấy ý kiến của 63 Sở GD-ĐT và các trường THPT trong cả nước về một số nội dung của Quy chế.
Trong đó có 8.267 ý kiến đồng ý với các nội dung dự thảo chiếm 92.9%; có 631 ý kiến có đề nghị bổ sung. Có 60/63 Sở GD-ĐT đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.