Nghị quyết về Kết quả giám sát giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Kiểm tra, quản lý tốt chất lượng đào tạo

- Thứ Sáu, 29/01/2021, 07:50 - Chia sẻ
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp và đại học, UBND tỉnh Điện Biên cần chỉ đạo tăng cường kiểm tra, quản lý tốt chất lượng đào tạo nghề, liên kết đào tạo đại học, phối hợp đào tạo trên đại học; đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập; rà soát, phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh bảo đảm cân đối hợp lý với các điều kiện, năng lực, chất lượng và hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm; mở rộng thị trường lao động, tìm kiếm việc làm...

Đó là nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết Kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Điện Biên.

Đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động

Nghị quyết HĐND tỉnh ghi nhận: Hàng năm, các chỉ tiêu về giáo dục đại học và dạy nghề đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các trường cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức sắp xếp lại; đội ngũ giảng viên, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo... Do đó, công tác giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Theo đó, hệ thống dạy nghề được mở rộng, phân bố ở các ngành, địa phương, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên địa bàn tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm, thực hành được quan tâm đầu tư. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, giảng viên có trình độ, đáp ứng yêu cầu của giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề. Cơ cấu ngành nghề đào tạo thay đổi theo chiều hướng tích cực, đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.

Các Trường cao đẳng và Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh đã thực hiện tốt mô hình phối hợp, liên kết đào tạo với các Trường đại học, Học viện theo nhu cầu của xã hội và thị trường lao động. Hình thức đào tạo đa dạng, linh hoạt đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là cán bộ cơ sở học tập nâng cao trình độ, chuẩn hóa đội ngũ. Đã liên kết đào tạo đại học và phối hợp đào tạo thạc sĩ được 97 khóa học với 4.768 học viên.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án của Chính phủ được quan tâm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã linh hoạt với nhiều phương thức đào tạo: Lấy thực hành làm trọng tâm, xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt trong đào tạo nghề. Chất lượng đào tạo nghề về nông nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu của lao động nông thôn. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, một số huyện đã thực hiện tốt việc liên kết đưa lao động đi đào tạo và làm việc tại một số tập đoàn, công ty trong nước; nguồn lao động có thu nhập cao, ổn định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã đạt kết quả tốt.

HĐND tỉnh Điện Biên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn

Đánh giá đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tuy nhiên sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý công tác dạy nghề chưa kịp thời, còn chồng chéo; sau khi sáp nhập, Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả chưa cao; chất lượng đào tạo, ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được thị trường lao động và nhu cầu của xã hội cũng như doanh nghiệp; chưa thu hút được người có trình độ cao về địa phương công tác.

Thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, công tác xuất khẩu lao động không đạt chỉ tiêu giao hàng năm; một số huyện chưa quan tâm tổ chức đưa lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư từ lâu, nay đã xuống cấp, lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu đào tạo; một số Trung tâm GDNN - GDTX thiếu giáo viên cơ hữu, cơ sở thí nghiệm thực hành.

Nghị quyết HĐND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: UBND tỉnh chịu trách nhiệm về những hạn chế trong việc chỉ đạo các sở, ngành phối hợp, tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công tác dạy nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn. Các Sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trong tham mưu, phối hợp giải quyết những tồn tại trong công tác dạy nghề và liên kết đào tạo; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh. Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp chịu trách nhiệm trong việc chưa thường xuyên giám sát nội dung giáo dục nghề nghiệp, đại học trên địa bàn.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp và đại học, HĐND tỉnh Điện Biên yêu cầu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn về giáo dục nghề nghiệp trình HĐND tỉnh phê duyệt theo quy định; tổ chức tổng kết, đánh giá Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020...

HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, quản lý tốt chất lượng đào tạo nghề, liên kết đào tạo đại học, phối hợp đào tạo trên đại học; đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, nhất là bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước và lý luận chính trị. Rà soát, phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh bảo đảm cân đối hợp lý với các điều kiện, năng lực, chất lượng và hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm; mở rộng thị trường lao động, tìm kiếm việc làm, tuyên truyền vận động đưa người lao động đi làm việc ở các Khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Nghiên cứu, sắp xếp lại hệ thống trường cao đẳng trên địa bàn theo hướng đa ngành, nhằm khai thác tốt nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hiện có, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương...

LÊ HOA