Bài 3:

Phải trả lại hơn 4.000m2 đất công bị lấn chiếm cho Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

- Thứ Bảy, 01/04/2023, 09:54 - Chia sẻ

Chính quyền địa phương cùng các cơ quan liên quan phải vào cuộc quyết liệt hơn để trả lại hơn 4.000m2 đất công bị lấn chiếm cho Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

“Quên” thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao?

Phải trả lại hơn 4.000m2 đất bị lấn chiếm cho Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh -0
Trường HCMUTE dựng nhiều biển cấm tình trạng cư trú bất hợp pháp trong khuôn viên đất thuộc chủ quyền của trường. Ảnh: Quang Phương.

Theo trình bày của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (HCMUTE), hộ ông Ngô Thanh Bằng tự chiếm dụng, sang nhượng không phép, sử dụng đất của trường (tại khu đất số 484A, đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức) từ 1995 đến nay.

Ông Bằng đã xây dựng trái phép 18 phòng trọ, bán đất của trường bằng giấy tay cho ông Nguyễn Hoài Bông, Bùi Đức Tịnh, Đỗ Văn Tình, Hoàng Đức Ngà xây nhà, gây mất an ninh trật tự trong khuôn viên trường, xả nước thải gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của sinh viên.

HCMUTE nhiều lần đề nghị Công an phường Tăng Nhơn Phú A phối hợp với các cơ quan chức năng theo thẩm quyền thực hiện di dời các hộ dân ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất của trường, không giải quyết việc đăng ký tạm trú cho các hộ đang cư trú bất hợp pháp trong khuôn viên đất trên.

Trước sự việc hàng nghìn m2 đất công bị lấn chiếm, từ nhiều năm qua, HCMUTE gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan, ban ngành, chính quyền TP Thủ Đức, UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc. Tuy nhiên, sự việc kéo dài  hơn 25 năm chưa giải quyết xong. Sự đình trệ này có phần do chính quyền địa phương chưa quyết liệt, dứt khoát trong xử lý vụ việc.

Phải trả lại hơn 4.000m2 đất bị lấn chiếm cho Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh -0
Một số căn nhà xây dựng trái phép đang tồn tại trong khuôn viên đất thuộc chủ quyền của HCMUTE. Ảnh Quang Phương

Để tiếp tục đòi lại đất, ngày 16.12.2021, HCMUTE có văn bản 1252/ĐHSPKT-TCHC gửi UBND TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều đơn vị khác.

Ngày 30.12.2021, Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh có văn bản số 10241/VP-ĐT gửi Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức liên quan đến xử lý vụ việc đất công bị chiếm dụng của HCMUTE.

Theo đó UBND TP. Hồ Chí Minh giao Chủ tịch UBND TP Thủ Đức khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan nghiên cứu ý kiến của HCMUTE tại công văn 1252/ĐHSPKT-TCHC ngày 16.12.2021; kiểm tra, rà soát vụ việc để xem xét, xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian hoàn thành chỉ đạo nêu trên trong 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản này.

Liên quan đến việc xử lý vấn đề lấn chiếm đất công của HCMUTE, ngày 17.1.2022, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh có văn bản số 299/STC-CS gửi Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh. Tại văn bản này, Sở Tài chính cho biết vụ việc được UBND TP. Hồ Chí Minh giao Chủ tịch UBND TP Thủ Đức xử lý.

Ngày 15.3.2022, Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản 4017/PC-ĐT gửi UBND TP Thủ Đức.

Cụ thể, Văn phòng UBND thành phố nhận được công văn số 299/STC-CS ngày 17.1.2022 của Sở Tài Chính liên quan việc xử lý kiến nghị của HCMUTE. Văn phòng UBND thành phố chuyển công văn trên của Sở Tài chính đến UBND TP Thủ Đức để kiểm tra, rà soát vụ việc, xem xét xử lý theo chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh tại công văn số 10241/VP-ĐT ngày 30.12.2021.

Cần xác định thời điểm đất bị lấn chiếm!

Phải trả lại hơn 4.000m2 đất bị lấn chiếm cho Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh -0
Nhà trường đã dựng nhiều biển thông báo, yêu cầu người dân dời ra khỏi khuôn viên. Ảnh: Quang Phương.

Theo luật sư Đỗ Duy Khang (Văn phòng Luật sư Xuân Phú, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) tại Khoản 2, 3, 4 Điều 147 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao, được thuê và phải sử dụng đất đúng mục đích. Nghiêm cấm việc sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp vào mục đích khác”.

Như vậy, vấn đề này thuộc thẩm quyền của người đứng đầu (hiệu trưởng) của cơ sở giáo dục đó.

Theo luật sư Khang, khi có hành vi lấn chiếm đất công, tùy tính chất và mức độ của hành vi vi phạm pháp luật, người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền (cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh) xử lý theo pháp luật về đất đai, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Luật sư Khang nhận định, đây là vụ việc khá phức tạp, kéo dài hơn 20 năm qua. Người chiếm dụng đất đã sang nhượng lại choc ho một số cá nhân khác. Để giải quyết dứt điểm vụ việc cần phải xác định rõ thời điểm lấn chiếm là thời điểm nào, diện tích lấn chiếm bao nhiêu, ai lấn chiếm?

Bên cạnh đó là hành vi lấn chiếm đất công đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay chưa và có các biện pháp khắc phục hậu quả của cơ quan có thẩm quyền kèm theo hay không (buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép chẳng hạn…)? Bởi, việc lấn chiếm mà không có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên tục từ khi có hành vi vi phạm thì khó xác định được thời điểm lấn chiếm.

Nếu không có cơ sở trên thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào 3 đợt kê khai về đất đai (8/12/1980; 15/10/1993 và trước 1/7/2004) để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét người lấn chiếm đó có kê khai hay không, diện tích bao nhiêu và có thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước hay không? Trên cơ sở truy xuất tài liệu lưu trữ của địa phương để xác định thời điểm lấn chiếm là thời điểm nào?

Phải trả lại hơn 4.000m2 đất bị lấn chiếm cho Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh -0
Những dãy nhà xây trái phép trong phần đất thuộc chủ quyền của HCMUTE. Ảnh: Quang Phương.

Bên cạnh đó, theo luật sư Khang cần phải xem xét việc lấn chiếm xảy ra trước hay sau thời điểm cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước giao đất, cấp giấy chủ quyền. Nếu việc lấn chiếm xảy ra sau thời điểm được giao thì việc giải quyết khá đơn giản, chỉ cần tuân thủ quy định pháp luật hiện hành giải quyết. Trường thương lượng không được thì phối hợp chính quyền hỗ trợ hòa giải.

Về lấn chiếm trước thời điểm giao đất cho trường được cấp giấy chứng nhận thì trường tự thương lượng để dân di dời, nếu không được thì có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền giao đất để được hướng dẫn giải quyết.

"Đây là vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm qua, vì thế để giải quyết dứt điểm vấn đề cần sự vào cuộc khẩn trương của chính quyền địa phương mà cụ thể ở đây là UBND TP Thủ Đức. UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ xử lý cho Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nhưng gần 2 năm nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc xử lý nhiệm vụ được cấp trên giao phó", luật sư Khang phân tích.

* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc lấn chiếm đất công nêu trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.

Quang Phương
#