Phòng, chống dịch Covid-19

Kiểm soát chặt chẽ vùng biên giới Tây Nam

- Thứ Ba, 02/03/2021, 22:46 - Chia sẻ
Đồng bằng sông Cửu Long có 3 tỉnh có đường biên giới kéo dài hàng trăm km giáp với Campuchia là Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Campuchia, làn sóng người Việt nhập cảnh bất hợp pháp từ tuyến biên giới dồn về khiến lực lượng chức năng phải căng người rà soát từng đoạn đường, cửa khẩu…

Ngày cuối cùng của tháng 2.2021, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã đến “điểm nóng” huyện biên giới Tân Hồng để chỉ đạo trực tiếp công tác phòng chống dịch Covid-19. Ông Nghĩa yêu cầu lực lượng biên phòng phối hợp các lực lượng liên quan kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, không để xảy ra trường hợp nhập cảnh trái phép mang mầm bệnh vào nội địa. Trước đó, khi bệnh nhân 2424 nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường biên giới mang theo mầm bệnh thì đã có 15 người trở thành F1. Tuy nhiên, hiện mới tìm và cách ly được 11 người (8 người cách ly tại TP Hồng Ngự, Đồng Tháp và 3 người cách ly tại TP Cần Thơ). Huyện đang phối hợp lực lượng y tế tỉnh truy tìm 4 người còn lại, là những người ăn tại quán cháo vịt ở TT Sa Rài huyện Tân Hồng vào thời điểm BN 2424 vào quán ăn. Đồng thời, vào giờ cuối, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký quyết định cho toàn bộ học sinh từ cấp mầm non đến THPT và học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn biên giới, gồm huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng và TP Hồng Ngự nghỉ học từ ngày 1 - 6.3, đồng thời yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh chỉ đạo các trường tùy theo điều kiện thực tế triển khai dạy và học trực tuyến nhằm đảm bảo học sinh không bị gián đoạn việc học.

Cửa khẩu Hà Tiên  

Tỉnh Đồng Tháp 50,5 km đường biên giới, tiếp giáp tỉnh Pray-veng (Campuchia), với nhiều đường mòn lối mở, biên giới trên sông, hiện có 5 Đồn Biên phòng, tổ chức quản lý và bảo vệ biên giới. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khép kín biên giới, duy trì 100% quân số trực tại các tổ chốt, các đường mòn, lối mở, đóng chốt cố định 17 tổ/720 lượt. Tính từ khi có dịch đến nay, bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp đã xử lý 1.273 trường hợp qua lại biên giới, trong đó có 387 trường hợp xuất nhập cảnh trái phép. 

Tại Kiên Giang, khu vực biên giới đường bộ của Kiên Giang có chiều dài 56,8km, tiếp giáp với hai tỉnh Kam Pốt và Tà Keo của Campuchia. Theo ghi nhận từ các khu cách ly tập trung, từ ngày 24 - 28.2 đã có hơn 180 người từ Campuchia nhập cảnh Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Qua cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, có 13 trường hợp cho kết quả chưa rõ ràng. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang đã tiếp tục lấy mẫu để xét nghiệm lại. Hiện các trường hợp nghi nhiễm đã được chuyển đến Trung tâm y tế TP Hà Tiên theo dõi sức khỏe. Trước diễn biến này, tỉnh Kiên Giang đã quyết định xét nghiệm toàn bộ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đang làm việc trong các khu cách ly đồng thời phân luồng, điều tra dịch tễ, cách ly riêng 182 trường hợp tiếp xúc gần với những người nghi nhiễm.

Ban Chỉ huy quân sự TP Hà Tiên tỉnh Kiên Giang đã tăng cường nhiều biện pháp xiết chặt quản lý các khu cách ly tập trung trên địa bàn, do người dân Việt Nam sinh sống và làm việc tại Campuchia liên tục về nước sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nước này. Theo Ban Chỉ huy quân sự TP Hà Tiên, dự kiến thời gian tới số người dân về nước sẽ tiếp tục tăng nhanh do dịch Covid-19 bùng phát tại Campuchia, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại Kiên Giang. Do vậy, lãnh đạo TP Hà Tiên kiến nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ thực hiện công tác xét nghiệm, kích hoạt khu cách ly ở các huyện lân cận để giảm tải cho TP Hà Tiên khi có tình huống dịch xảy ra phức tạp. Bên cạnh các biện pháp canh giữ ngặt nghèo đường biên, lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân để mọi người cùng đề cao cảnh giác, giữ gìn an ninh, trật tự vùng biên giới, không tiếp tay cho những người vượt biên trái phép đồng thời thời tố giác với cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh lây lan.  

Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ người ra vào cửa khẩu, lực lượng Bộ đội Biên phòng còn lập các chốt canh gác dọc vùng biên  

Thượng tá Doãn Đình Tránh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, các đồn biên phòng trên địa bàn Kiên Giang đã nhanh chóng triển khai mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, hàng ngày đi đến từng ấp, từng cụm cư dân để phát loa tuyên truyền cho bà con. Ở địa bàn có đồng bào Khmer sinh sống, chúng tôi đã phát hai thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Khmer). Triển khai cho cán bộ, chiến sĩ đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội… tạo các nhóm và mời người thân, quen, người dân trên địa bàn có tài khoản mạng xã hội tham gia truyền tải và thông tin kịp thời các trường hợp lạ xuất hiện trên địa bàn để kịp thời kiểm tra, kiểm soát…

An Giang là địa bàn có tuyến biên giới dài nhất gần 100 km, giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo của Campuchia, thời gian qua, lực lượng Biên phòng tỉnh đã tổ chức 177 điểm chốt các đường mòn, lối mở. Tuy nhiên, khu vực biên giới của An Giang vẫn còn tình trạng buôn lậu hàng hoá và tình trạng vượt biên trái phép. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã họp khẩn với lãnh đạo các ngành và địa phương yêu cầu nâng biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh lên mức cao nhất. Ngoài 176 chốt cố định và 11 tổ lưu động tuần tra phòng, chống dịch đang được tổ chức, ông Bình yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh khẩn trương thành lập thêm 2 tổ kiểm soát dịch bệnh và mỗi huyện thành lập thêm 1 tổ kiểm soát lưu động để tuần tra, kiểm soát đều khắp các địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp lơ là không thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Vũ Châu