Hà Nội

Kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống

- Thứ Tư, 04/11/2020, 06:33 - Chia sẻ
Chợ truyền thống cung cấp khoảng 70% lượng nông sản, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội ở thời điểm hiện tại với gần 500 chợ lớn, nhỏ. Đa phần các chợ truyền thống hiện hoạt động tự phát, cơ sở hạ tầng không bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ hàng hóa kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản phẩm không rõ nguồn gốc

Theo các chuyên gia, chợ truyền thống hiện nay đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới phân phối hàng hóa, tuy nhiên, chất lượng của thực phẩm vẫn là nỗi lo của cả đội ngũ quản lý và người tiêu dùng.

Nhiều thực phẩm bày bán tại chợ truyền thống không rõ xuất xứ và tiêu chuẩn an toàn chất lượng

Tình trạng thực phẩm tươi sống được bày bán nhưng không có tủ bảo quản khá phổ biến; nhiều sản phẩm thịt lợn, thịt bò... không có dấu kiểm dịch động vật của cơ quan chức năng; khu vực phân bố, bày bán sản phẩm cũng kém khoa học. Các quán, hàng ăn vặt có thể xen lẫn với bất cứ gian hàng bày bán các loại hàng khác như quần áo hay đồ gia dụng. Gia cầm tươi sống được bày bán bên cạnh các gian hàng bán đồ ăn chín, đồ chế biến sẵn vẫn tồn tại, bất chấp các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, tại chợ Hà Đông, bên cạnh các ki ốt bán đồ ăn tại chỗ phục vụ thực khách như bún, cháo, chè... là lồng đựng nhiều gia cầm sống trên nền đất.

Thêm vào đó, hầu hết người bán hàng đều không dùng găng tay nilon khi chế biến đồ ăn cho khách; nhiều hàng bán thực phẩm chín trong chợ không bảo đảm yêu cầu có tủ kính, có nắp che. Việc xử lý rác thải và nước bẩn cũng chưa triệt để dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan và sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), nguồn gốc hàng hóa tại chợ truyền thống cũng là điều cần đề cập tới. Rất nhiều sản phẩm được bày bán tại quầy hàng ở tình trạng không nhãn mác, không nguồn gốc, xuất xứ, thành phần và cũng không có thời hạn sử dụng. Nhiều chủ cửa hàng đã nhập lượng hàng lớn không rõ nguồn gốc gói vào các hộp nhựa, sau đó tự gắn nhãn tem giả.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, sự hiểu biết các quy định về ATTP của các hộ kinh doanh thực phẩm còn nhiều hạn chế. Dù đã được quan tâm và có lực lượng tham gia vào công tác quản lý như cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thuế, chính quyền địa phương; song hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm tra liên ngành và kiểm nghiệm vệ sinh ATTP của các chợ chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ. 

Cần tăng cường quản lý, giám sát

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, để phát hiện độc tố, hóa chất, đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài. Các hộ kinh doanh được yêu cầu lấy mẫu thực phẩm kiểm tra do nghi ngờ chất lượng kém, phải tạm dừng kinh doanh nên nhiều hộ đã phản ứng và cho rằng cơ quan chức năng đang làm khó với họ. Khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn, Ban quản lý chợ cũng chỉ có thể lập biên bản rồi báo với các cơ quan chức năng và tiến hành xử phạt hành chính đối với tiểu thương.

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ truyền thống, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, quan trọng nhất là phát huy vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền, xây dựng kế hoạch tuyên truyền và ký cam kết đối với các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, cần cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, nước để phục vụ cho các hộ kinh doanh; tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ cho đội ngũ cán bộ quản lý và các hộ kinh doanh.

Ban quản lý chợ cần thường xuyên tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm tại chợ, khuyến khích tiểu thương ký cam kết không buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Đồng thời tăng cường nhân lực kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đầu tư trang thiết bị phục vụ việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa ra vào các chợ.

Rõ ràng, sự nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa tại các chợ truyền thống sẽ giúp kiểm soát tốt hơn vấn đề ATTP, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hoàng Yến