Gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc
Chiều 26.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra, đó là, bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, hiệu quả”. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 5 nhóm điểm mới, bao gồm: phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm; thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng; sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình. Có ý kiến đề nghị xếp loại theo các nhóm hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục và các loại bạo lực khác; một số ý kiến góp ý về nội dung các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, nên nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình. Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và được rà soát, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý để làm rõ nghĩa hơn một số hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ.
Nên có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống bạo lực gia đình
Tại phiên thảo luận, đa số ĐBQH tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đánh giá, đến nay, dự thảo Luật cơ bản đáp ứng được mục tiêu, tiếp tục thể chế công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ con người, bảo vệ công dân theo quy định của Hiến pháp và phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, theo đại biểu vẫn còn một số quy định cần cân nhắc, xem xét, chỉnh sửa và bổ sung để bảo đảm tính khả thi của các quy định khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua.
Về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình "lấy người bị bạo lực là trung tâm" được quy định tại Điều 4, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc chỉnh sửa bổ sung khoản 1 Điều này, vì theo đại biểu, tinh thần của Luật lấy nguyên tắc phòng ngừa là chính, do đó phải lấy nguyên tắc lấy người có nguy cơ bị bạo lực gia đình và người có xu hướng thực hiện hành vi bạo lực gia đình làm trung tâm. Đây mới là nguyên tắc phòng, chống hành vi bạo lực gia đình để hạn chế tối đa xảy ra bạo lực gia đình. Nguyên tắc lấy người bị bạo lực là trung tâm nên chuyển về khoản 2 Điều này vì lúc đó hành vi bạo lực đã xảy ra và cần có biện pháp can thiệp để tránh tái diễn.
Đối với quy định về cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, Khoản 1, Điều 40 quy định cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, điều này chưa phù hợp với thực tiễn. Dẫn báo cáo giải trình, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, đại biểu nêu rõ, pháp luật nước ta hiện nay đã có quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ hoặc tư vấn nạn nhân bị bạo lực gia đình, tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn, cấp thẻ nhân viên tư vấn, chứng nhận nhiệm vụ chăm sóc tư vấn và tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình, nhưng hiện chưa có cơ sở nào được thành lập theo quy định.
"Nguyên nhân chủ yếu là việc xây dựng và vận hành cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình cần chi phí lớn để đầu tư ban đầu và duy trì hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, Nhà nước chưa có các chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia hoạt động này". Nhấn mạnh điều này, ĐB Bế Minh Đức đề nghị, không nên quy định điều kiện bắt buộc các cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà cần có những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia. “Đặc biệt là đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thì nên có những hỗ trợ, ưu đãi nhiều hơn từ Nhà nước”, ĐB Bế Minh Đức nhấn mạnh.