Nhiều cơ sở đã có sản phẩm xuất khẩu
Những năm qua, chương trình khuyến công đã hỗ trợ hiệu quả các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến của tỉnh Tuyên Quang trong việc ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh doanh. Nhiều cơ sở đã mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa; đặc biệt, một số cơ sở đã tiến tới xuất khẩu.
Theo thống kê từ Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh đã triển khai 187 đề án khuyến công, hỗ trợ 238 cơ sở công nghiệp nông thôn. Trong đó có 172 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 64 hợp tác xã và tổ hợp tác, 102 hộ kinh doanh. Các chương trình, đề án hỗ trợ cơ sở thụ hưởng được khuyến công Tuyên Quang thực hiện thời gian qua khá đa dạng. Từ đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thông tin về chính sách khuyến công.
Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thiết bị tiên tiến vào sản xuất là nội dung được Tuyên Quang dành nhiều nguồn lực thực hiện, cũng ghi nhận đạt hiệu quả cao. Cụ thể, trong giai đoạn 2012 - 2022, Tuyên Quang đã triển khai 18 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật mới trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông lâm sản; 77 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ năm 2022, Công ty CP Cơ khí Tuyên Quang đã đầu tư dây chuyền sản xuất ván sàn công nghiệp xuất khẩu trị giá trên 15 tỷ đồng. Nhờ có máy móc, thiết bị hiện đại, sản phẩm ván sàn công nghiệp của công ty được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia… Doanh thu năm 2022 đạt trên 98 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động địa phương.
Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2023, chương trình khuyến công chú trọng hỗ trợ “kép”: vừa mở rộng sản xuất, vừa phát triển thị trường cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp. Chương trình cũng dành ưu tiên các cơ sở chế biến sâu, hoạt động trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như sản xuất chè, chế biến gỗ…; các đề án chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa…
Tăng kinh phí khuyến công quốc gia
Chương trình khuyến công mặc dù mang lại nhiều tác động tích cực, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển song cũng gặp nhiều khó khăn; một trong số đó là các cơ sở sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, hạn chế cả về quy mô, năng lực và nhân lực nên chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và thiếu liên kết giữa khâu sản xuất với tiêu thụ. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 8 làng nghề chè được công nhận nhưng chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; bên cạnh đó, nguồn kinh phí triển khai công tác khuyến công vẫn chủ yếu trông chờ vào ngân sách, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Trên địa bàn tỉnh cũng còn thiếu đội ngũ cộng tác viên khuyến công, dẫn đến việc chưa nắm bắt kịp thời hiện trạng sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu thụ…
Sở Công thương tỉnh cho biết đã xây dựng những giải pháp tháo gỡ những khó khăn đã được nhận diện; theo đó, địa phương từng bước nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công; hình thành đội ngũ cộng tác viên khuyến công sâu sát với từng cơ sở công nghiệp nông thôn để tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm, huy động kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác cho triển khai công tác khuyến công; đồng thời bố trí kinh phí khuyến công địa phương đáp ứng đúng và đủ nhu cầu.
Tới đây, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang sẽ tiếp tục đồng hành với các cơ sở công nghiệp nông thôn trong tiến trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh. Để bảo đảm hiệu quả của chương trình khuyến công, Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Bộ Công thương tăng mức hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm cho các địa phương; đặc biệt là các tỉnh miền núi, công nghiệp chưa phát triển, trong đó có tỉnh Tuyên Quang.