Khúc tráng ca vang mãi

- Thứ Tư, 21/10/2020, 04:55 - Chia sẻ
Theo dọc dài lịch sử, hình ảnh người mẹ, người chị Việt Nam âm thầm chịu đựng, âm thầm hy sinh đã hòa vào dáng hình đất nước. Họ là những con người bình dị mà anh hùng, âm thầm mà tỏa sáng đã góp phần dệt nên khúc tráng ca còn vang mãi cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Khúc tráng ca ấy được thể hiện tại “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” với những trải nghiệm sâu đậm tình mẫu tử thiêng liêng của phụ nữ Việt Nam đối với ruột thịt thân thương của mình. Chương trình được tiếp nối từ thành công của chương trình “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”, do Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Công ty lữ hành Hanoitourist xây dựng.

Hoạt cảnh bà Băng Tâm vận chuyển đồ tiếp tế vào bên trong khu xà lim án chém

Gắn kết yêu thương

“Phải thương lắm mới đi làm cách mạng.

Phải thương nhiều hơn mới giữ nổi lòng tin.

Nhưng phải thương đến tận cùng đớn đau mới làm người Mẹ…”

Chuyện kể, khi chị mới đôi mươi, em chưa tròn mười chín, cả hai xung phong vào cách mạng, rồi cùng bị bắt giam, cùng động viên tinh thần và cùng đón nhận tình yêu thương gửi vào từ mẹ. Đó là câu chuyện của hai chị em nữ tù chính trị Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Cốm.

Năm 1951, biết tin hai con gái bị địch bắt nhưng lại không biết các con đang bị giam ở đâu, hàng ngày bà Đỗ Thị Gẩy đã dùng chiếc bị cói đựng thức ăn, đi đến nhiều đồn, bốt để tìm gặp các con. Đến khi hai con bị chuyển về giam ở Nhà tù Hỏa Lò, hàng tháng đều đặn 3 lần, bà lại đến tiếp tế và thăm các con. Tình thương của bà được gói chặt vào chiếc bị. Trong đó nào quà bánh, thức ăn, nào đồ dùng sinh hoạt thiết yếu và cả những lời động viên hai con cố gắng rèn luyện, vượt lên khó khăn của cuộc sống tù đày.

Chiếc bị đã trở thành sợi dây gắn kết yêu thương, gửi nỗi niềm thương nhớ và khích lệ tinh thần của người mẹ tới hai người con gái đang bị giam giữ trong chốn địa ngục trần gian. Kỷ vật chiếc bị cói của mẹ được hai nữ chiến sĩ trân trọng giữ gìn và trao tặng lại Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò làm hiện vật năm 1997.

Đó còn là câu chuyện của bà Hoàng Thị Ái, sau này là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà là Thư ký của Bí thư xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc. Trong những ngày đồng cam cộng khổ, hai người nảy sinh tình cảm và được tổ chức ủng hộ, nên duyên vợ chồng.

Năm 1931, bà sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Thanh Vân. Lúc này đang diễn ra cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, không thể giữ con bên mình nên hai vợ chồng đành gửi con cho một gia đình cơ sở ở Hà Tĩnh nuôi. Bà chẳng ngờ đó là lần cuối cùng được ở bên những người thân yêu nhất. Tháng 5.1931, bà Ái bị bắt giam tại nhà lao Vinh. Cùng thời điểm này, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cũng bị kẻ địch bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò, rồi đưa về Nghệ An thủ tiêu.

Đầu năm 1937, sau khi được ra tù, bà trở về Hà Tĩnh tìm con. Mọi hy vọng đều biến tan khi bà hay tin con gái Thanh Vân đã chết vì khát sữa. Sự thật quá đau đớn và phũ phàng, nhưng bà nghĩ không được thất vọng vì đau buồn riêng của mình. Biến đau thương thành sức mạnh, bà lao vào hoạt động cách mạng. Cả cuộc đời bà Hoàng Thị Ái là sự sắt son một niềm tin với Đảng, là sự chờ đợi, ngóng trông…

Trân trọng giá trị truyền thống

Bằng hình thức sân khấu hóa, hoạt cảnh về cuộc đời bà Hoàng Thị Ái, cuộc sống ngục tù của hai chị em Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Cốm, mối tình sắt son giữa chị Hoàng Ngân và anh Hoàng Văn Thụ cùng nhiều câu chuyện nữ tù chính trị bị giam giữ trong giai đoạn 1930 - 1954 hiển hiện sinh động tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò những ngày này. Xem các hoạt cảnh, trải nghiệm tình huống chui cống ngầm vượt ngục với tiếng cưa song sắt, tiếng nước chảy, tiếng gió rít... trong không gian hẹp, tối, công chúng được hiểu rõ hơn về sự dũng cảm của những nữ tù nhân cách đây hơn nửa thế kỷ.

Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu cho biết, chương trình đi sâu khai thác câu chuyện về người phụ nữ, người mẹ để công chúng hiểu rõ hơn dưới chế độ giam cầm, tù đày và sự áp bức đến cùng cực, các nữ chiến sĩ đã phải hy sinh cả bản thân và gia đình, bất chấp mọi khó khăn để vượt ngục hoặc tìm mọi cách hoạt động bí mật, đưa cách mạng đến thành công sớm nhất. Sản phẩm không phải đi từ cảm xúc mà bằng trải nghiệm, tri ân các bà, các mẹ, các chị, giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng giá trị truyền thống, trân quý độc lập, tự do ngày hôm nay. Cũng qua trải nghiệm này, mỗi cá nhân thấy yêu hơn gia đình nhỏ của mình, sẵn sàng có sự cởi mở, gần gũi, cách cư xử với người mẹ, người chị thân yêu của mình mà trong cuộc sống hàng ngày đôi khi không để ý đến.

Theo ông Biểu, sau 6 buổi đón khách bắt đầu từ đêm 3.10, đa số người xem có phản hồi khá tốt, họ thực sự thấy ấn tượng về số câu chuyện trong mỗi tour trải nghiệm. “Du khách được xem ba hoạt cảnh trong mỗi tour, đan xen là các câu chuyện từ sa bàn Nhà tù Hỏa Lò, cây bàng trăm tuổi, đến các trại giam, sao cho cảm xúc không sa vào bi lụy mà tăng sự thú vị. Ví dụ, hoạt cảnh bà Băng Tâm vận chuyển đồ tiếp tế từ ngoài vào bên trong khu xà lim án chém khiến người nghe là các bà, các mẹ, các chị cảm thấy thích thú khi bọn cai ngục bị qua mặt. Đến câu chuyện của bà Hoàng Thị Ái, khách tham quan lại chuyển từ trạng thái vui tươi, phấn khởi sang lắng đọng sâu và cảm động”.

Một điểm thú vị hơn, các nhân vật trong hoạt cảnh đều do cán bộ, nhân viên Nhà tù Hỏa Lò hóa thân, lột tả nội tâm của các nữ tù bằng vốn kiến thức tích lũy từ quá trình hoạt động nghiệp vụ. Ông Biểu rất vui khi lần đầu tiên được hóa thân vào các nhà hoạt động cách mạng như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Phong Sắc, với phong thái đĩnh đạc, xử lý khéo léo và khoa học các tình huống trong thời điểm nan nguy nhất.

“Mặc dù không hẳn là nhân vật chính nhưng vai diễn của tôi giúp tô điểm thêm nét đẹp của nữ tù cách mạng. Là người tiếp cận các câu chuyện, tuy không liên tục nhưng ít nhất chúng tôi cũng cảm và hiểu rất rõ, để thể hiện vai diễn của mình một cách thành công nhất. Hơn thế, chính sự hào hứng, khích lệ của khách tham quan cũng tiếp thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục lan tỏa hình ảnh người mẹ, người chị Việt Nam âm thầm chịu đựng, âm thầm hy sinh để có được niềm vui hòa bình hôm nay”, ông Biểu nói.

Hương Sen