Học phí chiếm tỷ lệ “áp đảo” trong tổng nguồn thu của trường đại học
Thống kê của Báo Đại biểu Nhân dân từ báo cáo công khai của nhiều trường đại học cho thấy, học phí chiếm từ 70-80%, thậm chí lên tới 90% tổng nguồn thu.
Theo báo cáo Công khai tài chính năm học 2021-2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội, tổng nguồn thu hợp pháp năm 2021 là trên 1.050 tỷ đồng, bao gồm các nguồn ngân sách (122.8 tỷ đồng); học phí (776.6 tỷ đồng); nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (12.5 tỷ đồng); nguồn hợp pháp khác (138.7 tỷ đồng). Như vậy, học phí chiếm 74% nguồn thu của cơ sở giáo dục đại học này.
Tại Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, tổng thu năm 2021 của trường này là 511,2 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách là 3,6 tỷ đồng; học phí, lệ phí đóng góp 460,2 tỷ đồng; nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 3,9 tỷ đồng; còn lại 43,5 tỷ đồng từ các nguồn thu hợp pháp khác. Như vậy, học phí chiếm tới 90% nguồn thu của trường đại học này.
Tại Trường Đại học Ngoại thương, báo cáo công khai tài chính năm học 2022-2023 của đơn vị này cho thấy tổng thu trong năm là 750,2 tỷ đồng, bao gồm 7,85 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước; 490,3 tỷ đồng từ học phí và 252,1 tỷ đồng từ các nguồn hợp pháp khác. Học phí chiếm 65% nguồn thu trong năm của Trường Đại học Ngoại thương.
Tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, tổng thu năm 2022 là gần 562 tỷ đồng. Trong đó, học phí chiếm 359 tỷ đồng (64% tổng thu); còn lại từ các nguồn: ngân sách chiếm 58,4 tỷ đồng; hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 0,6 tỷ đồng; các nguồn hợp pháp khác 144 tỷ đồng.
Trường Đại học Y Hà Nội là một trong số ít cơ sở giáo dục đại học mà nguồn thu từ học phí không chiếm tỷ lệ “áp đảo” trong tổng nguồn thu chung. Theo đó, năm 2022, trường này tổng thu 574,2 tỷ đồng thì học phí chỉ chiếm 174,8 tỷ đồng (chiếm 30,4%). Nguồn thu lớn nhất đến từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với 228,7 tỷ đồng (chiếm gần 40%). Ngoài ra, nhà trường còn có thêm nguồn thu từ ngân sách (146 tỷ đồng), các nguồn hợp pháp khác (24,7 tỷ đồng).
Không tăng học phí, chất lượng đào tạo sẽ bị ảnh hưởng
Trong báo cáo “Giáo dục để tăng trưởng” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vào tháng 8/2022, đội ngũ chuyên gia World Bank cho biết, hiện nay, nguồn ngân sách nhà nước Việt Nam chi cho giáo dục đại học còn hạn chế, chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo. Trong khi đó, nguồn thu của các trường chủ yếu đến từ học phí (chiếm từ 70-80%). Nguồn ngân sách của tư nhân đầu tư vào giáo dục đại học vẫn chưa được phát huy hiệu quả.
Dữ liệu từ một cuộc khảo sát đại học do Bộ GD-ĐT giao thực hiện năm 2018 cũng cho thấy phân bổ ngân sách/trợ cấp của Chính phủ chỉ chiếm 22% tổng nguồn thu của các trường đại học năm 2017. Học phí chiếm 55% tổng nguồn thu và 23% còn lại đến từ các nguồn khác (như nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kinh doanh, dịch vụ đào tạo, các khoản quyên tặng).
Đầu năm 2023, báo cáo tại một hội thảo về Tự chủ đại học, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết thống kê năm 2021, hộ gia đình đóng góp đến 77% còn ngân sách chỉ chiếm 9% trong tổng thu của các trường đại học.
PGS.TS Trần Mai Ước, Chánh Văn phòng, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, nguồn thu của trường vẫn chủ yếu là thu từ học phí của các hệ đào tạo, trong đó thu từ học phí của các hệ đào tạo không chính quy có chiều hướng giảm dần, tăng dần nguồn thu từ các hệ chất lượng cao, hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, trường có thêm các nguồn thu khác đến từ kinh phí cấp ngân sách, các hoạt động đào tạo ngắn hạn, cung cấp dịch vụ cho sinh viên và các đối tác của nhà trường theo chức năng, nhiệm vụ và pháp luật hiện hành.
Theo ông Ước, hiện nay Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đang khó khăn nhất định về kế hoạch đầu tư mang tính chất dài hơi vào cơ sở vật chất và nhân sự, trong xây dựng giải pháp mang tính căn cơ để phát triển nguồn thu chính của trường đại học tự chủ, khi mà 70% tổng thu vẫn đến từ học phí và lệ phí.
Theo lãnh đạo một trường đại học top đầu khối ngành kinh tế, trường này đã thực hiện tự chủ hoàn toàn, tức tự chủ theo bậc cao nhất. Do đó, trường cần phải có tích luỹ tài chính để đầu tư phát triển, mà nguồn này “không tự nhiên mà có”. Nguồn thu của trường này có 80 - 90% đến từ nguồn học phí.
Ông chia sẻ, nếu không tăng học phí, nguồn thu của nhà trường không thể đảm bảo được cho các khoản chi phí, hoặc buộc phải cắt giảm chi phí. Nếu chọn cắt giảm, rõ ràng sẽ khó khăn cho việc nâng cao chất lượng đào tạo.
“Chất lượng đào tạo không phải sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giai đoạn sau. Bởi muốn nâng cao chất lượng, nhà trường phải đầu tư để nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng, gồm đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình,… Nếu không có được nguồn tài chính tốt để đầu tư, nâng cấp tất cả những điều đó thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo sau này”, vị lãnh đạo nói.